Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành tại Việt Nam, cướp đi sinh mạng của hơn 43.000 người. Những mất mát không chỉ dừng lại ở con số mà còn là nỗi đau khắc sâu trong từng gia đình.
Sau gần 4 năm oằn mình chống dịch, hệ thống y tế đã ổn định trở lại, nền kinh tế cũng bắt đầu phục hồi. Những nỗi đau, mất mát dường như đã phần nào nguôi ngoai, nhờ vào sự chung tay, sẻ chia của cả cộng đồng.
Mệnh lệnh từ trái tim
Khi dịch bệnh cuốn đi bao hy vọng, thì cũng trong hoàn cảnh tàn khốc ấy, lòng nhân ái của con người lại trở thành ánh sáng cứu vãn những số phận mong manh, bi đát.
Lớn lên trong bụng mẹ chỉ hơn 7 tháng, cháu Tạ Lê K.L (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) cất tiếng khóc chào đời nhờ vào sự hỗ trợ của các bác sĩ, bởi dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của mẹ, khi cháu chưa lọt lòng.
Nhắc đến hoàn cảnh này, thượng tá Lê Thị Mỹ Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định (viết tắt Hội Phụ nữ) - kể lại, vợ mất do dịch bệnh, ông Tạ Công Thảo (SN 1982) một mình chẳng cách nào lo đủ cho 3 con nhỏ cùng cha mẹ già với nghề tài xế xe tải đường dài, nay đây mai đó, chẳng mấy ổn định.
Nhận thấy hoàn cảnh quá khó khăn, Hội Phụ nữ và 2 đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã quyết định nhận nuôi và đỡ đầu 3 con của ông Thảo.
"Nỗi đau mất mẹ đối với các cháu là quá lớn, đặc biệt là K.L. Được các bác sĩ cứu sống từ trong bụng mẹ, K.L không có cơ hội được uống bầu sữa mẹ - thiệt thòi khó thể bù đắp được. Khi chứng kiến cảnh này, chúng tôi không thể cầm lòng" - thượng tá Liên xúc động.
Theo thượng tá Liên, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, lực lượng Quân đội cũng chung tay chia sẻ khó khăn với Nhân dân, giúp cho các con "thiếu cha, vắng mẹ" có điều kiện được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, phần nào bù đắp tình thương cho các con. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim" của những người quân nhân.
"Con muốn vào quân đội"
Là 1 trong 17 trường hợp có con được đơn vị bộ đội nhận nuôi và đỡ đầu, bà Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1980, trú phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn) đã phần nào vơi nỗi lo "cơm áo gạo tiền".
Bởi từ khi dịch bệnh cướp đi người chồng, người cha của các con, bà Hạnh phải một mình gồng gánh, nuôi 4 người con trong cảnh kinh tế kiệt quệ.
Nói về hoàn cảnh bà Hạnh, thượng tá Liên kể, trước khi đại dịch bùng phát, bà Hạnh cùng chồng làm công nhân tại Bình Dương, nuôi 4 con nhỏ. Mức thu nhập tuy chẳng dư giả gì, nhưng cũng vừa đủ lo cho các con.
Nhưng rồi biến cố ập đến, bà Hạnh như người lạc hướng, không gắng gượng nổi ở miền Nam nên đành dắt díu các con về quê sống cùng ông bà nội trong cảnh thiếu trước hụt sau.
Sau khi nắm bắt tình cảnh khốn khó của gia đình bà Hạnh, một đơn vị bộ đội đã quyết định nhận đỡ đầu bé Lê Thị T.H (SN 2009) - con gái thứ trong nhà. Qua nhiều năm gắn bó, tình thương và sự dìu dắt của những người cha, người mẹ "áo lính" đã in sâu trong trái tim cô bé, trở thành động lực giúp em vượt qua khó khăn.
Giờ đây, khi đã trưởng thành hơn, T.H bày tỏ ước mơ trở thành một nữ quân nhân, cống hiến cho đất nước. "T.H rất nhiều lần nói "con muốn vào quân đội" khi trò chuyện cùng chúng tôi. Nay con đã lên lớp 10, chờ khi học xong cấp 3, tôi sẽ đề xuất thủ trưởng tạo điều kiện cho con nhập ngũ, trở thành người quân nhân theo nguyện vọng của con", thượng tá Liên nói.
Mỗi đơn vị là một người cha, người mẹ
Đại tá Võ Thanh Hải - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định - cho biết, nhận thấy hậu quả do dịch bệnh gây ra quá lớn, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh nhận đỡ đầu 1 cháu mồ côi cha hoặc mẹ.
"Những năm qua, việc nhận nuôi và đỡ đầu đã mang lại nhiều ý nghĩa, bù đắp tình thương cho các cháu mồ côi, chia sẻ khó khăn đối với các gia đình có con, cháu bị mồ côi cha hoặc mẹ. Đến nay, các đơn vị đã nhận nuôi và đỡ đầu cho 17 cháu..." - đại tá Võ Thanh Hải cho hay.
https://laodong.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-cha-nguoi-me-ao-linh-cua-17-tre-mo-coi-do-covid-19-1438573.ldo