Những cây cầu kết nối giao thương Việt - Trung ở Lào Cai
Lào Cai - Những cây cầu kết nối Việt Nam - Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, phát triển kinh tế.
2 cây cầu Hồ Kiều đóng vai trò quan trọng trong giao thương giữa trung tâm TP Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại
Theo tìm hiểu, ngày 28.3.1898, cầu Hồ Kiều 1 (phường Lào Cai, TP Lào Cai) là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Nậm Thi được người Pháp xây dựng để kết nối đôi bờ Việt - Trung chính thức được khánh thành.
Khi tuyến đường sắt Điền - Việt kết nối Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh xây dựng, cầu Hồ Kiều đảm nhiệm thêm là cầu đường sắt, trở thành nhịp nối thông thương, đẩy mạnh quan hệ kinh tế, văn hóa - xã hội giữa hai nước.
Đi qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, người dân và du khách đã đặt chân sang phía bên kia là Trung Quốc. Ảnh: Đinh Đại
Trước nhu cầu giao thương, vận tải hàng hóa ngày càng lớn, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất xây dựng thêm 1 cây cầu đường bộ bắc qua dòng Nậm Thi.
Cầu Hồ Kiều 2 (cách vị trí cầu 1 khoảng 200 m về phía sông Hồng) được khởi công xây dựng năm 1999, do cán bộ kỹ sư hai nước Việt Nam và Trung Quốc hợp tác thiết kế, thi công, với ngân sách của Chính phủ 2 nước. Cầu dài 138m, rộng 14m.
Năm 2001, khi cầu Hồ Kiều 2 hoàn thành, việc vận chuyển hàng hoá xuất - nhập khẩu của người dân cũng như khách du lịch trở nên dễ dàng và thuận lợi, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc).
Cầu Hồ Kiều 2 được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày một tăng. Ảnh: Đinh Đại
Ngoài cầu Hồ Kiều bên dòng sông Nậm Thi, năm 2009, cầu đường bộ Kim Thành (TP Lào Cai) nối Khu khai phát Bắc Sơn (thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã chính thức thông xe.
Cầu Kim Thành được thiết kế với chiều dài 280m, rộng 21,5m, 5 trụ chính và trụ cầu tạo dáng hình chữ V. Lòng cầu thiết kế đảm bảo 4 làn xe chạy hai chiều.
Cầu hoàn thành trong thời gian 3 năm do các kiến trúc sư, cán bộ kỹ thuật của ngành Giao thông vận tải Việt Nam và Trung Quốc cùng phối hợp thiết kế xây dựng. Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 10 triệu USD.
Cầu Kim Thành nối với Khu khai phát Bắc Sơn (thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam) mỗi ngày có hàng trăm lượt xe thông quan. Ảnh: Đinh Đại
Theo thống kê, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) năm 2001 chỉ đạt gần 210 triệu USD thì đến năm 2007 là 723 triệu USD (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm).
Đến năm 2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai đạt cao nhất với 3,8 tỉ USD; năm 2023 là 1,159 tỉ USD (do ảnh hưởng của dịch Covid-19).
Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 3,625 tỉ USD.
Thông tin từ Sở Công Thương Lào Cai, tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 3.2025 đạt 222,4 triệu USD.
Hàng nghìn lượt du khách qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai thông qua cầu Hồ Kiều 2 mỗi ngày. Ảnh: Đinh Đại
Năm 2025, Lào Cai phấn đấu tổng giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đạt 9 tỉ USD.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, để đạt được mục tiêu tổng trị giá xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 9 tỉ USD, Lào Cai tập trung vào việc phát triển kinh tế cửa khẩu thông qua các dịch vụ thương mại và logistics.
Trong đó, tiếp tục quy hoạch đồng bộ các khu chức năng và đầu tư hạ tầng khung tại khu Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực xã Bản Vược, huyện Bát Xát là dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Ngoài 3 cây cầu kết nối giao thương Việt - Trung ở TP Lào Cai, huyện Bát Xát hiện có cầu Thiên Sinh (cầu ngắn nhất nối với Trung Quốc ở xã Y Tý) và sắp tới sẽ khởi công cầu biên giới ở xã Bản Vược.
https://laodong.vn/kinh-doanh/nhung-cay-cau-ket-noi-giao-thuong-viet-trung-o-lao-cai-1484225.ldo
Đinh Đại (BÁO LAO ĐỘNG)