Nguy cơ cháy nổ rình rập, đề xuất tăng chế tài với các công trình vi phạm
Khảo sát thực tế nhiều khu nhà trọ, chung cư mini tại Hà Nội cho thấy, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc ráo riết nhưng nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC) nhận được nhiều sự quan tâm khi nằm trong nội dung nghị sự của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang
Trang bị PCCC sơ sài, nguy cơ cháy nổ hiện hữu
Ghi nhận của PV Lao Động trong ngày 30.10 cho thấy, các khu nhà trọ, chung cư mini cho thuê ở phố Triều Khúc (huyện Thanh Trì), phố Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình)... nằm gần các trường đại học, cao đẳng, công sở trên địa bàn Hà Nội đang thu hút một lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên tìm đến thuê trọ.
Chị Nguyễn Thu Thủy (sinh năm 1990, thuê trọ ở phố Lê Đức Thọ, Hà Nội) tâm sự, nhiều vụ cháy nhà trọ cao tầng, chung cư mini xảy ra đã khiến tâm lý những người thuê trọ như chị cẩn trọng hơn trong việc tìm kiếm nhà thuê. Mặc dù giá cả đắt đỏ nhưng ngay từ tháng 8.2024, chị sẵn sàng trả thêm 1 triệu đồng/tháng để tìm được một phòng trọ ưng ý, có ban công, thiết kế lối thoát hiểm thứ 2, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
"Dù cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát an toàn phòng cháy, chữa cháy trong những tháng qua nhưng nhiều chủ nhà trọ trong ngõ hẻm vẫn khá thờ ơ, coi thường, khiến những người đi thuê nhà như tôi rất lo lắng. Hồi cuối tháng 8.2024, tôi đã phải chuyển trọ đi nơi khác vì chủ nhà không cắt tháo chuồng cọp, lắp đặt chuông báo cháy, mở lối thoát hiểm khi căn nhà có khoảng 20 phòng cho thuê kín mít với giá 3,5 triệu đồng/phòng/tháng.
Tương tự, Trịnh Thị Ngọc (sinh năm 1999, thuê chung cư mini ở quận Ba Đình, Hà Nội) thông tin, để thuận tiện cho công việc, Ngọc đã chấp nhận thuê một phòng trọ có giá 3,5 triệu đồng/tháng trên phố Phan Kế Bính, đã bao gồm chi phí điện nước, sinh hoạt. Dù không gian sống quá bí bách, ngột ngạt, nhà trọ không có lối thoát hiểm thế nhưng những người đi thuê như Ngọc cũng phải chấp nhận vì hiện tại khó tìm được nhà trọ có mức giá nêu trên.
Số liệu thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho thấy, trong tháng 10.2024, toàn quốc tiếp tục xảy ra 282 vụ cháy, làm chết 4 người, 8 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 150,72 tỉ đồng. So với tháng 9.2024, giảm 53 vụ cháy, nhưng tăng 2 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính tăng 89 tỉ đồng.
Gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ở Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội lắp đặt hệ thống báo cháy và các thiết bị PCCC. Ảnh: Hanoi.gov.vn
Đề xuất không áp dụng chung một tiêu chuẩn PCCC
Trên thực tế, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy còn diễn biến phức tạp, khi cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, trong khi đó Luật PCCC hiện hành chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ xảy ra. Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy đinh theo hướng xác định cụ thể các điều kiện an toàn PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, bảo đảm lối thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
Về phòng cháy đối với cơ sở, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cho biết, hệ thống các tiêu chuẩn quy định PCCC đã góp phần không nhỏ vào việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn, chữa cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro và thương vong cho con người.
Theo đại biểu, tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm.
"Những nơi xảy ra cháy thường là những khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ, cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy, nhà ở ngõ hẻm, ngách, nơi chứa chất dễ cháy, là nơi chữa cháy rất khó khăn" - đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu đề nghị các quy định nên phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ và đối với các loại hình này cần quy định khắt khe về PCCC. Còn đối với các cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về phòng cháy an toàn dễ hơn sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với những cơ sở dễ cháy, nếu không có đủ điều kiện để phòng cháy thì cơ sở có thể chuyển hình thức sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác, như vậy sẽ phù hợp với mọi loại hình sản xuất, kinh doanh trong PCCC. Việc quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đại biểu là chưa hợp lý.
Theo đại biểu đoàn Hòa Bình, thực tiễn thời gian qua, đi khảo sát, đã rất nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp cũng như các cá nhân có những đề nghị để làm sao quan tâm trong quá trình tổ chức triển khai công tác PCCC ở cơ sở đạt được hiệu quả.
Tăng cường biện pháp chế tài đối với công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về PCCC
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho biết, trong thực tế số nhà ở kết hợp kinh doanh là rất lớn, nếu không xác định rõ thì sẽ khó xác định được nhà nào là kinh doanh hay không kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, tác động, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Do đó, cũng cần bổ sung khái niệm về hàng hóa nguy hiểm cháy nổ và đề nghị là giao cho Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm cháy nổ.
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) nhìn nhận, thời gian qua ở một số thành phố lớn đã có nhiều vụ việc cháy nhà chung cư cao tầng với thiệt hại về người và tài sản rất lớn, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức của người dân đối với loại hình nhà ở chung cư cao tầng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt đầu từ việc vi phạm các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng phát triển đô thị hiện nay. Tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng.
Vị đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tăng cường biện pháp chế tài đối với công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về PCCC, đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình. Mặc dù những nội dung này được quy định tại Điều 14 yêu cầu về PCCC khi lập, điều tra, phê duyệt quy hoạch xây dựng nhưng cần nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - cho rằng, sau nhiều sự cố cháy nổ ở “nhà hẻm ngõ sâu" gây hậu quả nghiêm trọng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn chất lượng dịch vụ, nhất là phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, cũng cần có các quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn kinh doanh cho thuê, từ loại hình nhà ở thấp tầng tới các tòa nhà cao tầng.
Tuy nhiên theo chuyên gia, tất cả các giải pháp nói trên, cũng chỉ là lời giải cho bài toán về nhà ở trong ngắn hạn bởi về lâu, về dài, lượng người nhập cư Hà Nội để học tập, làm việc, ước tính hàng trăm nghìn người mỗi năm, ngày càng tăng. Do đó, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với các giải pháp đồng bộ đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý.
https://laodong.vn/xa-hoi/nguy-co-chay-no-rinh-rap-de-xuat-tang-che-tai-voi-cac-cong-trinh-vi-pham-1414893.ldo
THU GIANG - Phạm Đông (BÁO LAO ĐỘNG)