Người cán bộ xã nặng lòng với việc học của trẻ vùng biên
Một cán bộ xã ở khu vực biên giới của tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm qua đã âm thầm đến các bản vùng sâu, vùng xa để vận động học sinh trở lại trường.
Theo UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát, địa phương là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, toàn xã hiện có gần 1.400 hộ dân, trong đó có đến gần 66% là hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Ông Ngân Văn Lon - nhiều lần về các bản xa xôi của địa phương để vận động học sinh có ý định bỏ học trở lại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trình độ dân trí trên địa bàn còn không đồng đều, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Quan điểm của một số hộ vẫn cho rằng con cái lớn lên là phải ở nhà phụ giúp bố mẹ, hoặc chỉ cho học hết lớp 5, hết bậc THCS. Khi đủ tuổi thì lập gia đình hoặc đi làm ăn xa tại các công ty hoặc làm ruộng, chăn nuôi quanh khu vực xã… Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em học sinh.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn xã có 15 bản, đường xá đi lại còn gặp khá nhiều khó khăn. Thậm chí có những bản cách trung tâm xã hàng chục km. Điển hình như bản Tà Cóm, cách trung tâm xã khoảng 50 km với cung đường đi lại vô cùng vất vả.
Xuất phát từ điều kiện kinh tế, giao thông, đời sống còn nhiều khó khăn, vậy nên trong những năm qua, trên địa bàn xã Trung Lý thường có những trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng để ở nhà giúp đỡ gia đình.
Những chuyến đi vận động đến các bản xa, phải trải qua nhiều cung đường khó khăn, hiểm trở. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thấu hiểu với những khó khăn, nắm bắt được thực trạng trên, trong nhiều năm qua, ông Ngân Văn Lon - Chủ tịch UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát - đã thường xuyên cùng các thầy cô đến nhà dân để vận động, tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh mỗi khi hay tin các em có ý định nghỉ học.
“Một số học sinh và người dân vùng đồng bào dân tộc chưa thực sự coi trọng việc học, còn tâm lý thích thì đến trường, không thích thì nghỉ. Thời gian các em có ý định nghỉ học thường rơi vào dịp nghỉ hè hoặc các kỳ nghỉ lễ dài ngày” - ông Lon cho biết.
Theo ông Lon, khi nắm được thông tin về các trường hợp học sinh nghỉ học giữa chừng, đã rất nhiều lần ông cùng các thầy cô giáo đến tận nhà để vận động, tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh.
Ông Lon (người áo trắng trái ảnh) cùng các cán bộ đến nhà dân để vận động trẻ trở lại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Có những lần ông Lon cùng thầy cô đến tận bản xa xôi nhất là Tà Cóm (cách trung tâm xã 50 km) để vận động học sinh trở lại trường.
“50 km là quãng đường đất đồi, nhỏ hẹp nên mỗi lần đi vận động là chúng tôi phải đi cả ngày. Ngoài ra, khi đến nơi việc vận động cũng có phần khó khăn, bởi một số trường hợp nhất quyết nghỉ học. Tuy nhiên, với tinh thần kiên trì, lần 1 không được, chúng tôi đến lần 2, lần 3… Qua đó giúp học sinh và gia đình hiểu ra và cho con trẻ trở lại trường” - ông Lon chia sẻ.
Cũng theo ông Lon, một lợi thế trong quá trình vận động là hiện nay toàn xã có 4 trường gồm: Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trung Lý, Tiểu học Trung Lý 1, Tiểu học Trung Lý 2 và 1 trường mầm non. Cơ sở vật chất tại các trường đều khang trang, sạch đẹp, đảm bảo cho công tác dạy và học, nên khi tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh cũng phần nào thuận lợi.
Ông Ngân Văn Lon được biết đến là người cán bộ xã nặng lòng với việc học của trẻ vùng biên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Trong những năm qua, tôi cùng anh em đến bản vận động, tuyên truyền đến nhiều trường hợp. Đa phần các em học sinh nghỉ học giữa chừng đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhà neo người, bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có ông bà đã già yếu, các em phải ở nhà giúp đỡ gia đình…” - ông Lon cho hay.
Theo ông Lon, nhờ công tác tuyên truyền, vận động tốt, nên những năm qua, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm nhiều. Đến nay, tỉ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn chỉ còn 0,8%.
https://laodong.vn/giao-duc/nguoi-can-bo-xa-nang-long-voi-viec-hoc-cua-tre-vung-bien-1484746.ldo
QUÁCH DU (BÁO LAO ĐỘNG)