Lý giải việc chọn tên Gia Lai cho tỉnh mới khi sáp nhập Bình Định và Gia Lai
Bình Định - Ngày 28.3. HĐND tỉnh Bình Định đã thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.
Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định đã được HĐND tỉnh Bình Định thông qua. Ảnh: Hoài Luân
Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của hai tỉnh Gia Lai và Bình Định sẽ được sáp nhập, thành lập tỉnh mới mang tên Gia Lai, với tổng diện tích hơn 21.576,53km² và dân số hơn 3,58 triệu người. Tỉnh mới sẽ có 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường). Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới sẽ đặt tại TP Quy Nhơn (Bình Định hiện nay).
Tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, qua 2 cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai và Bình Định đã thống nhất thông qua Đề án sáp nhập hai tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Hoài Luân
"Theo yêu cầu, đề án phải trình Chính phủ trước ngày 1.5. Hôm nay thông qua nghị quyết, ngày mai sẽ trình Trung ương. Trong kỳ nghỉ lễ, lãnh đạo tỉnh và bộ phận thường trực sẽ tiếp tục làm việc xuyên lễ, để kịp tiến độ trình đề án sáp nhập cấp tỉnh", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, việc sáp nhập nguyên trạng 2 tỉnh nhằm bảo đảm thuận lợi trong quản lý địa giới hành chính, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, quy mô dân số và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, hình thành một cực tăng trưởng mới trong khu vực.
Việc chọn tên tỉnh mới là Gia Lai và đặt Trung tâm hành chính - chính trị tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định hiện nay) được thực hiện theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12.4.2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Quyết định số 759/QĐTTg ngày 14.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tên gọi của tỉnh mới - Gia Lai bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, nhằm giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau sáp nhập, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
TP Quy Nhơn được chọn làm nơi đặt Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới, vì đây là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị lớn, có vị trí địa lý trung tâm, thuận lợi về kết nối giao thông, liên kết vùng và đáp ứng tốt các điều kiện quy hoạch, mở rộng không gian phát triển đô thị trong tương lai.
https://laodong.vn/thoi-su/ly-giai-viec-chon-ten-gia-lai-cho-tinh-moi-khi-sap-nhap-binh-dinh-va-gia-lai-1498603.ldo
HOÀI LUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)