Thời sự
Cập nhật lúc 10:27 28/04/2025 (GMT+7)
Lý giải những băn khoăn về tên xã, phường sau sáp nhập ở Cao Bằng

Cao Bằng - Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính, việc đặt tên gọi các xã, phường đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân.

Lý giải những băn khoăn về tên xã, phường sau sáp nhập ở Cao Bằng
Sau sáp nhập, tại Cao Bằng sẽ có phường mang tên vua Thục Phán (An Dương Vương). Ảnh: Tân Văn

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, tỉnh Cao Bằng đã công bố Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo đó sẽ giảm số lượng xã, phường, thị trấn từ 161 xuống còn 56.

Riêng tại khu vực thành phố Cao Bằng đang hiện hữu, dự kiến sẽ hình thành 3 phường mới với các tên gọi Thục Phán, Nùng Trí Cao và Tân Giang.

Khi 3 tên gọi phường mới xuất hiện, đang ghi nhận nhiều ý kiến từ nhân dân, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một số người dân cũng cho rằng nên giữ những tên cũ sẽ hay hơn. Đặc biệt, với tên gọi "phường Thục Phán" đang dấy lên những băn khoăn trong lòng người dân.

Mới đây, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Cao Bằng đã công bố những tài liệu có liên quan để làm sáng tỏ hơn những vấn đề xoay quanh chuyện này.

Theo đó, Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng là cái nôi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Gắn liền với mảnh đất này là hình ảnh Thục Phán, vị vua kiệt xuất, người có công lớn trong buổi đầu dựng nước.

Phường Thục Phán được hình thành từ 5 đơn vị hành chính cũ. Ảnh: Tân Văn
Phường Thục Phán được hình thành từ 5 đơn vị hành chính cũ. Ảnh: Tân Văn

Theo truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (chín chúa tranh vua) của người Tày, Thục Phán từ nhỏ đã bộc lộ tài năng xuất chúng, thống nhất 10 xứ mường thành nước Nam Cương, sau đó lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Tần xâm lược, đặt nền móng cho nhà nước Âu Lạc hùng mạnh.

Nhiều địa danh, di tích ở Cao Bằng như thành Bản Phủ, Phiêng Pha, Tổng Chúp, Khau Lừa… vẫn lưu giữ những dấu tích gắn liền với truyền thuyết và lịch sử về thời kỳ này.

Những phát hiện khảo cổ, nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa vùng đất Cao Bằng và nhân vật lịch sử Thục Phán.

Không chỉ dừng lại ở truyền thuyết, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Thục Phán có nguồn gốc từ người Tày cổ, với những nét văn hóa đặc trưng còn hiện hữu đến ngày nay trong sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và tại trung tâm Cổ Loa.

Việc đặt tên phường Thục Phán cho khu vực trung tâm mới của thành phố Cao Bằng không chỉ mang ý nghĩa tri ân, tôn vinh cội nguồn dân tộc mà còn khẳng định bản sắc lịch sử, văn hóa độc đáo của mảnh đất này.

Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới bạn bè trong nước và quốc tế về tinh thần bất khuất, khát vọng vươn lên của Cao Bằng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Theo đề án sắp xếp, phường Thục Phán được hình thành từ các phường Sông Hiến, Đề Thám, Hợp Giang, xã Hưng Đạo và xã Hoàng Tung (thuộc huyện Hòa An) hợp lại. Đây sẽ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa mới của tỉnh Cao Bằng, nơi tập trung các cơ quan, tổ chức lớn của tỉnh.

Không gian đô thị hiện đại nhưng đậm đà bản sắc, kết nối giữa truyền thống và tương lai, giữa cội nguồn lịch sử và sức sống mới, sẽ được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại đây.

Tên gọi Thục Phán vì vậy không chỉ gợi nhắc về quá khứ hào hùng mà còn mở ra một chương mới cho vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc.

Phường Thục Phán sẽ là trung tâm mới của tỉnh Cao Bằng khi toàn bộ những cơ quan quyền lực nhất tỉnh đều đứng chân trên địa bàn. Ảnh: Tân Văn
Phường Thục Phán sẽ là trung tâm mới của tỉnh Cao Bằng khi toàn bộ những cơ quan quyền lực nhất tỉnh đều đứng chân trên địa bàn. Ảnh: Tân Văn

Việc lựa chọn cái tên đầy ý nghĩa này thể hiện sự trân trọng với lịch sử, đồng thời cũng là cam kết xây dựng một đô thị văn minh, giàu bản sắc, phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ngày 27.4, trao đổi với PV, bà Triệu Thị Thu Trang - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Cao Bằng - chia sẻ: "Việc đặt tên phường Thục Phán, Nùng Trí Cao một phần là để thể hiện sự tri ân của tỉnh với những anh hùng dân tộc, đặc biệt là với vua Thục Phán - người khai sinh ra cả một triều đại, lãnh đạo nhân dân chống quân Tần xâm lược".

Bên cạnh đó, theo bà Trang, với việc lựa chọn các tên gọi này, địa phường mong muốn sẽ tạo được tiềm thức về nhân vật Thục Phán trong lòng nhân dân.

Tiếp đó, đây cùng là phương hướng của địa phương của tỉnh, thời gian tới đề nghị trung ương dựa trên các minh chứng công nhận nguồn gốc Thục Phán xuất phát từ Cao Bằng.

https://laodong.vn/xa-hoi/ly-giai-nhung-ban-khoan-ve-ten-xa-phuong-sau-sap-nhap-o-cao-bang-1497858.ldo

An Trịnh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: