Thời sự
Cập nhật lúc 04:59 08/05/2025 (GMT+7)
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần rõ ràng, cụ thể đi ngay vào thực tiễn

Khi góp ý vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là Đoàn Đà Nẵng đã thống nhất cao.

Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần rõ ràng, cụ thể đi ngay vào thực tiễn
Khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng đã từng vướng luật, phải "bỏ hoang" thời gian dài. Ảnh: Trần Văn

Thể chế hóa để phát triển khoa học công nghệ

Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (diễn ra chiều 6.5 vừa qua) đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 được xem là kim chỉ nam, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, theo các đại biểu, để những định hướng chiến lược này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tối đa, việc thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời là yêu cầu cấp thiết, để chủ trương dễ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Khi góp ý vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng, đã bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết phải thông qua dự án luật. Đồng thời, các đại biểu cũng đặt ra yêu cầu cấp bách: dự thảo luật phải thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng của Nghị quyết 57, nhất là các chính sách đột phá về thu hút đầu tư tư nhân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và thúc đẩy hoạt động KHCN, ĐMST trong doanh nghiệp.

Thực tiễn sinh động từ các địa phương chính là thước đo hiệu quả của chính sách. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chỉ ra một "điểm nghẽn" cố hữu: đầu tư kết cấu hạ tầng cho doanh nghiệp KHCN-ĐMST. Ông nhấn mạnh, "Chỉ có Nhà nước đầu tư và hỗ trợ thì các doanh nghiệp mới làm được. Nhưng khi đầu tư ra rồi thì câu hỏi đặt ra là cơ chế nào cho thuê, cho mượn và chuyển giao hạ tầng cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học để làm?".

Đây không phải là một trăn trở riêng của Đà Nẵng. Điều 56 dự thảo Luật mới quy định Nhà nước đầu tư, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó mà không có cơ chế cụ thể, chi tiết về khai thác, cho thuê, vận hành thì hạ tầng dù hiện đại đến mấy cũng khó phát huy hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực. Đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự thủ tục là hoàn toàn xác đáng, nhằm tránh tình trạng đầu tư "chung chung" thiếu tính khả thi.

Đã có bài học từ thực tiễn

Câu chuyện của dự án Công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng là một minh chứng điển hình cho thấy chủ trương đúng đắn có thể bị "tắc nghẽn" ra sao khi thiếu vắng cơ chế, chính sách cụ thể.

Với mục tiêu tạo động lực phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nối tiếp thành công của Công viên phần mềm đầu tiên, Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư Công viên phần mềm số 2 với quy mô lớn, kỳ vọng tạo ra hàng ngàn việc làm. Thế nhưng, sau khi bỏ ra gần 1.400 tỉ đồng từ ngân sách, công trình dù cơ bản hoàn thành phần thô từ lâu lại rơi vào cảnh "bỏ hoang" do vướng các thủ tục pháp lý liên quan đến việc cho thuê tài sản công đầu tư từ ngân sách. Đây chính là biểu hiện rõ nét của việc "chủ trương đã có song khó áp dụng".

Phải đến tháng 2.2024, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144 về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, trong đó có quy định về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng Công viên phần mềm Đà Nẵng. Tiếp đó, tháng 10.2024, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Những động thái này cho thấy sự nỗ lực tháo gỡ từ trung ương. Tuy nhiên, quãng thời gian dài dự án "đứng bánh" đã gây ra những tổn thất không nhỏ về cơ hội phát triển và hiệu quả đầu tư.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thể chế hóa Nghị quyết 57 một cách toàn diện ngay từ trong các dự án luật. Không chỉ là các quy định khung, luật cần dự liệu và bao quát các tình huống thực tiễn, đặc biệt là cơ chế quản lý, vận hành, khai thác tài sản công hình thành từ đầu tư nhà nước trong lĩnh vực KHCN-ĐMST. Cần có những quy định rõ ràng về hợp tác công tư, cơ chế cho thuê, chuyển giao linh hoạt, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và các nhà khoa học tiếp cận, sử dụng hiệu quả hạ tầng được đầu tư.

Để Nghị quyết 57 thực sự tạo ra đột phá, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, chi tiết, dễ áp dụng là điều kiện tiên quyết. Những vướng mắc từ thực tiễn từ các địa phương, doanh nghiệp cũng là những "bài học" rõ nhất để những chính sách ban hành không chỉ dừng lại ở chủ trương mà phải thực sự đi vào cuộc sống, khơi thông mọi nguồn lực, phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia thực sự hiệu quả.

https://laodong.vn/kinh-doanh/luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-can-ro-rang-cu-the-di-ngay-vao-thuc-tien-1503269.ldo

Thanh Hải (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: