Thành công nhờ đi học tập
Chiều 18.12, chúng tôi về xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) để tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Ba Sấm (Lê Văn Sấm, 66 tuổi), người đã đạt được thành công và lợi nhuận lớn.
Ông Lê Văn Sấm cho biết, sau khi nghỉ hưu vào năm 2007, ông đã trải qua nhiều khó khăn và rủi ro khi nuôi tôm theo phương pháp truyền thống. Trong quá trình đó, ông đã đi tham quan và học tập kinh nghiệm tại các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Cà Mau, Bạc Liêu.
Qua học tập, ông nhận thấy nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích như kiểm soát môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, và nâng cao năng suất thu hoạch so với nuôi truyền thống. Đầu năm 2015, ông quyết định thử nghiệm nuôi tôm công nghệ cao: "Ngay vụ đầu tiên, tôi đã đạt được thành công lớn. Từ đó, tôi chuyển dần sang nuôi tôm công nghệ cao. Hiện nay, tôi đang sở hữu 50 ao với tổng diện tích gần 50 ha".
Theo ông Sấm, nuôi tôm công nghệ cao cho phép nuôi 2 vụ mỗi năm, thời gian còn lại để xử lý ao. Bình quân, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg tôm.
Ông Sấm thông tin thêm, vừa qua ông đã thu hoạch 2 ao tôm với sản lượng 134 tấn, lợi nhuận khoảng 16 tỉ đồng sau khi trừ chi phí. "Hơn 10 năm theo đuổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tôi đã sở hữu 50 ha đất và vừa xây dựng lại ngôi nhà khang trang sau đợt dịch COVID-19", ông Sấm chia sẻ.
Ngoài ra, trang trại của ông còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre hỗ trợ xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm). Nhờ đạt chuẩn ASC, giá bán tôm cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận trung bình từ 30 đến 40 tỉ đồng mỗi năm.
Trăn trở của lão nông
"Hiện nay, tỉnh Bến Tre chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực chế biến tôm để xuất khẩu. Tôi mong chính quyền quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm, ngay tại tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, hạ tầng như điện, giao thông, thủy lợi... chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, rất cần được đầu tư để phục vụ vùng nuôi tôm công nghệ cao”, ông Sấm nói.
Ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết: Ông Sấm là một trong những điển hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao thành công đầu tiên của tỉnh Bến Tre thông qua các buổi tập huấn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre chủ trì hướng dẫn các kỹ thuật, quy trình... Thành công của ông Sấm đã góp phần giúp mô hình này lan tỏa đến các hộ dân, đồng thời khẳng định hiệu quả cao của mô hình. Ông Sấm cũng thường học tập kinh nghiệm, thay đổi tư duy sản xuất, không theo lối truyền thống củ mà ứng dụng tiến bộ khoa học vào nuôi tôm công nghệ cao... Từ thành công này, Sở sẽ nhân rộng mô hình để phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn.
Theo ông Buội, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã và đang hỗ trợ nông dân nuôi tôm công nghệ cao đạt chứng nhận ASC, trong đó, ông Sấm đã được cấp giấy chứng nhận này.
Ông Buội cũng cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án xây dựng hạ tầng điện, đường và thủy lợi cho các vùng nuôi tôm công nghệ cao tại Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Thuận (huyện Bình Đại) để chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm thương phẩm xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sản lượng tôm nước lợ năm 2024 của tỉnh dự kiến đạt 155.000 tấn. Trong đó, 91.000 tấn được nuôi theo hướng công nghệ cao với diện tích nuôi đạt 3.633 ha. Theo quy hoạch, đến năm 2025, Bến Tre phấn đấu đạt 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao và tăng lên 5.800 ha vào năm 2030.
https://laodong.vn/xa-hoi/lao-nong-ben-tre-lai-chuc-ti-tu-nuoi-tom-cong-nghe-cao-1437947.ldo