UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao đường Lê Trọng Tấn và Quốc lộ 6 (quận Hà Đông).
Theo quyết định, dự án đầu tư xây dựng cầu vượt với quy mô 4 làn xe trên đường Lê Trọng Tấn - đường Văn Khê; xây dựng cầu vượt có nhịp chính và nhịp dẫn bằng thép, tổng chiều dài toàn cầu khoảng 883m.
Đồng thời, xén hè để mở rộng phần đường xe chạy, tổ chức lại giao thông, đèn tín hiệu phạm vi nút giao và xây dựng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 880 tỉ đồng, thực hiện giai đoạn 2026-2028.
Nút giao đường Quốc lộ 6 - Lê Trọng Tấn - Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Hữu Chánh
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông chạy qua nút giao Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 6. Ảnh: Hữu Chánh
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, nút giao đường Lê Trọng Tấn và Quốc lộ 6 tiếp nhận lưu lượng phương tiện rất lớn mỗi ngày, trong đó có nhiều xe trọng tải lớn thường xuyên qua lại.
Tại đây, lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên túc trực thực hiện nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông để giảm tải ùn ứ, xung đột giữa dòng phương tiện.
Anh Võ Quốc Thịnh (25 tuổi, quận Hà Đông) cho biết, nút giao đường Lê Trọng Tấn và Quốc lộ 6 thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, dù cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức lại giao thông tuy nhiên tình trạng ùn ứ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trước áp lực giao thông ngày càng lớn, anh Thịnh cho rằng việc xây dựng cầu vượt tại nút giao này cũng là một trong những giải pháp có thể giúp giảm tải ùn tắc tại khu vực.
Ô tô, xe máy di chuyển qua nút giao Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 6. Ảnh: Hữu Chánh
Phương tiện xếp hàng dài trên đường Lê Trọng Tấn hướng về nút giao. Ảnh: Hữu Chánh
Hồi đầu năm 2025, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất xây dựng thêm 5 cầu vượt tại 5 nút giao trên địa bàn thành phố.
5 vị trí nút giao được đề xuất sớm triển khai xây dựng cầu vượt là các nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên), Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm), Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng và Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (đều thuộc huyện Gia Lâm).
Cơ quan chức năng đánh giá, đây là những khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao này.
Xe tải, container thường xuyên di chuyển qua nút giao Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 6. Ảnh: Hữu Chánh
Trên thực tế, phương án xây cầu vượt nhẹ ở các nút giao đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp giải quyết nhiều "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội.
Năm 2012, trước tình trạng ùn tắc thường xuyên ở nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà (quận Đống Đa), Hà Nội tính đến phương án xây dựng cầu vượt nhẹ với kết cấu bằng thép để giảm tải ùn tắc.
Hai cầu vượt thép tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà được khai thác từ tháng 4.2012, sau 100 ngày thi công. Cả hai công trình đều thiết kế cho cả xe máy cùng ôtô con.
Từ hiệu quả của 2 công trình đầu tiên, nhiều cầu vượt nhẹ khác đã được thành phố xây dựng.
Mới đây nhất, Hà Nội đã đưa vào sử dụng công trình cầu vượt chữ C nối Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Cầu dài hơn 300m, rộng 9m, vốn đầu tư 150 tỉ đồng, hoàn thành sau 21 tháng thi công. Đây được coi là công trình giao thông quan trọng, cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
https://laodong.vn/giao-thong/hien-trang-nut-giao-o-ha-dong-truoc-khi-xay-cau-vuot-giam-un-tac-1494009.ldo