Chính phủ kiến nghị về việc tính toán khả năng tăng lương công chức, lương hưu, trợ cấp trong năm 2026. Ảnh minh họa: Nguyễn Hải.
Chính phủ đã có báo cáo về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa XV.
Về thực hiện một số nội dung cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1.7.2024, báo cáo nêu, lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP.
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương), mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng thêm 68,3%), cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
Theo báo cáo, việc điều chỉnh này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.
Báo cáo cũng nêu rõ cần chủ động, tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chính sách tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo đúng quy định, tạo sự đồng thuận cao góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp.
Tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đã bảo đảm đủ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù.
Hiện nay các Bộ, ngành cũng đang khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 04-KH/BCĐ ngày 13.11.2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Qua rà soát có 26/34 cơ quan, đơn vị, chiếm khoảng 77% cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù dự kiến sẽ sáp nhập, chia tách hoặc tổ chức lại.
Các bộ, cơ quan đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù thực hiện đúng Điều 3 Nghị quyết số 160/2024/QH15 ngày 13.11.2024 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Trong đó cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này.
Với các cơ sở trên, Chính phủ kiến nghị như rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương.
Chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp.
Đáng chú ý, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026 đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-kien-nghi-quoc-hoi-xem-xet-tang-luong-trong-nam-2026-1493894.ldo