Giao thông TPHCM bứt phá sau 50 năm giải phóng
Sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), TPHCM đã đạt nhiều bước tiến vượt bậc về hạ tầng giao thông, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại lộ Phạm Văn Đồng. Ảnh: Anh Tú
Hạ tầng giao thông bứt phá
Sau năm 1975, TPHCM tập trung xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm mở rộng kết nối nội thành và liên vùng. Tuyến trục Đông - Tây với đại lộ Nguyễn Văn Linh, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, đường Trường Chinh... tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, giúp kết nối thuận lợi giữa các khu vực.
Không dừng lại ở đó, TPHCM còn phát triển nhiều tuyến đường cao tốc mang tính chiến lược như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương, Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á)... Những tuyến đường này không chỉ giảm áp lực giao thông mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng, kết nối trực tiếp với các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh.
Ngoài nguồn vốn ngân sách, TPHCM chủ động huy động các nguồn lực khác như vốn ODA, hợp tác BOT, BT để thực hiện các dự án quan trọng. Một trong những công trình tiêu biểu là đại lộ Đông - Tây (Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt), được đầu tư bằng vốn ODA từ Nhật Bản. Tuyến đường dài gần 22km này giúp kết nối nhanh chóng từ TP Thủ Đức đến huyện Bình Chánh, đi qua nhiều quận trung tâm như 1, 4, 5, 6, 8, Bình Tân...
Trong dự án này, hạng mục đáng chú ý nhất là hầm vượt sông Sài Gòn, nối quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Hoàn thành năm 2011, đây là công trình hầm dìm hiện đại nhất Đông Nam Á, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn và các tuyến đường xung quanh.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng, thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, được đầu tư 340 triệu USD theo hình thức BT và hoàn thành năm 2013. Tuyến đường giúp kết nối trực tiếp sân bay Tân Sơn Nhất với các quốc lộ 1, 13, 1K, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Cầu Phú Mỹ, khánh thành năm 2009, là điểm nhấn quan trọng nối TP Thủ Đức và quận 7. Nằm trên tuyến Vành đai 2, cây cầu đóng vai trò then chốt trong kết nối giao thông và lưu thông hàng hóa giữa khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông công cộng TPHCM. Ảnh: Anh Tú
Đẩy mạnh kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới
Những năm gần đây, TPHCM tiếp tục triển khai các dự án giao thông quy mô lớn, trong đó nổi bật là tuyến đường Vành đai 3. Với tổng chiều dài 76,34km, đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, dự án có tổng mức đầu tư hơn 75.378 tỉ đồng.
Dự kiến, một phần đường Vành đai 3 sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2026, mở ra tuyến giao thông huyết mạch kết nối các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Bộ.
Dự án đường Vành đai 4 với tổng chiều dài 207km cũng đang được chuẩn bị triển khai. Khi hoàn thành, tuyến đường này không chỉ tăng cường kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, mà còn giúp khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.
Nếu dự án Vành đai 4 được Quốc hội thông qua vào năm 2025, các địa phương sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng từ 2025 - 2026, khởi công vào năm 2027 và hoàn thành trong năm 2028.
Xây dựng hệ thống metro hiện đại
Sau 17 năm kể từ khi được phê duyệt, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức vận hành từ ngày 22.12.2024, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển giao thông công cộng TPHCM. Tuyến metro dài 19,7km, với 14 ga, kết nối trung tâm thành phố với TP Thủ Đức.
Metro số 1 được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông, khi trung bình vận chuyển 50.000 lượt hành khách/ngày.
Theo Sở Giao thông Công chánh TPHCM, nhờ tuyến Metro số 1, tình trạng kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội đã giảm 80%, trong khi lượng khí thải giảm 40%, góp phần cải thiện chất lượng môi trường đô thị.
Đáng chú ý, với Nghị quyết 188 của Quốc hội cho phép TPHCM áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển metro, thành phố đặt mục tiêu triển khai đồng bộ 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km trong thập kỷ tới. Trong đó, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2030.
TPHCM cũng đang lên kế hoạch triển khai sáu tuyến metro khác, với lộ trình thực hiện từ 2025 - 2026, giải phóng mặt bằng từ 2025 - 2027 và đồng loạt khởi công vào năm 2027. Nếu đúng tiến độ, toàn bộ mạng lưới metro dài 355km sẽ hoàn thành vào năm 2035, đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân, tạo nên hệ thống giao thông công cộng hiện đại và bền vững.
https://laodong.vn/xa-hoi/giao-thong-tphcm-but-pha-sau-50-nam-giai-phong-1487906.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)