Thời sự
Cập nhật lúc 09:43 12/04/2025 (GMT+7)
Gấp rút hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm chào mừng dịp 30.4

Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên cả nước đang được đẩy nhanh tiến độ, sẵn sàng khánh thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Gấp rút hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm chào mừng dịp 30.4
Gói 4.6 - đường cất hạ cánh sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành dịp 30.4. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành sớm 2 tháng

Hàng nghìn công nhân, kỹ sư đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối của nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, công trình có tổng vốn gần 11.000 tỉ đồng.

Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khánh thành dịp 30.4. Ảnh: Anh Tú
Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khánh thành dịp 30.4. Ảnh: Anh Tú

Đây là nhà ga nội địa lớn nhất cả nước, công suất 20 triệu khách/năm, gồm ba hạng mục chính: Ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn.

Ga xây trên diện tích 112.500m² với một tầng hầm và bốn tầng nổi. Tầng trên cùng là khu làm thủ tục bay, phòng chờ VIP, quầy check-in đang hoàn thiện; tầng dưới là ga đến, khu nhận hành lý đã cơ bản hoàn tất.

Theo ông Lê Khắc Hồng - Trưởng ban Quản lý dự án, nhà ga T3 dự kiến khánh thành ngày 19.4 (sớm hơn kế hoạch 2 tháng) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ga T3 sẽ thử nghiệm khai thác từ 24.4 và chính thức vận hành từ ngày 5.5.2025, phục vụ toàn bộ chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Các hãng còn lại tiếp tục hoạt động tại nhà ga T1. Khi đi vào hoạt động, T3 nâng tổng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, tổng vốn hơn 4.800 tỉ đồng, sẽ thông xe toàn tuyến dịp 30.4. Tuyến dài hơn 4km, gồm đường chính rộng 25-48m với 6 làn xe, hai nhánh 3-4 làn, một cầu cạn trước ga T3 và hai hầm chui. Tuyến này không chỉ kết nối trực tiếp với ga T3 mà còn góp phần giảm áp lực giao thông trên đường Trường Sơn và khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay quốc tế Long Thành đón tin vui

Tại Đồng Nai, Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh thi công với gần 10.000 kỹ sư, công nhân và gần 3.000 máy móc thiết bị hoạt động ngày đêm. Gói thầu 4.6 - thi công đường cất hạ cánh - dự kiến hoàn thành trước ngày 30.4, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.

Gói thầu 6.12 - gồm hai tuyến đường kết nối sân bay sẽ thông xe kỹ thuật tuyến số 1 trước ngày 30.4, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình trước ngày 2.9.2025.

Ông Dương Quang Điện - Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án sân bay Long Thành - cho biết: "Trong năm 2025, chúng tôi quyết tâm hoàn thành cơ bản công tác xây dựng của Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1".

Dự án thành phần 1A thuộc đường Vành đai 3 TPHCM, gồm cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp thông xe kỹ thuật dịp 30.4. Cầu dài 2,6km, giai đoạn 1 có 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Đây là công trình quan trọng giúp kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa TPHCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Sau khi đã thông xe 3,4km đoạn đầu từ nút giao Mỹ Yên (Long An) đến đường Lê Khả Phiêu (huyện Bình Chánh, TPHCM), cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tiếp tục khai thác thêm 18,8km từ đường Lê Khả Phiêu đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) vào dịp 30.4.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua Đồng Nai dài 14km, từ nút giao Phước An đến Vành đai 3 TPHCM, đang được hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng dịp 30.4. Trước đó, đoạn 7km từ Quốc lộ 51 đến Phước An đã hoàn thành. Dự kiến, đến ngày 30.4, hơn 43km trên tổng chiều dài 57km của tuyến cao tốc sẽ được khai thác, tiến gần mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 19,5km, tổng vốn đầu tư 5.190 tỉ đồng, đã thi công đạt gần 90% khối lượng. Tuyến có 11 cầu, trong đó 7 cầu đang thi công mố trụ, gác dầm và đổ bêtông mặt cầu, 4 cầu còn lại bước vào giai đoạn hoàn thiện. Các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, triển khai 15 mũi thi công để hoàn thành thông xe kỹ thuật dịp 30.4.

Toàn bộ tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km dự kiến sẽ hoàn tất và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Công nhân đang thi công lắp lan can cầu và bản mặt cầu nhịp cuối cùng của cầu Đại Ngãi 2. Ảnh: Phương Anh
Công nhân đang thi công lắp lan can cầu và bản mặt cầu nhịp cuối cùng của cầu Đại Ngãi 2. Ảnh: Phương Anh

Cầu Đại Ngãi 2 vượt tiến độ 6 tháng

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cầu Đại Ngãi 2 nối huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) với Quốc lộ Nam Sông Hậu đang hoàn thiện giai đoạn cuối, dự kiến thông xe kỹ thuật vào dịp 30.4.

Dự án có tổng chiều dài hơn 15km, vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng, gồm hai cầu chính Đại Ngãi 1 và 2, kết nối Trà Vinh - Sóc Trăng, thay thế phà truyền thống, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa.

Hiện công trường có 25 mũi thi công (14 mũi cầu, 10 mũi đường, 1 mũi kè), không khí khẩn trương, nhộn nhịp. Các nhóm công nhân tập trung lắp mặt cầu, hoàn thiện lan can… đảm bảo tiến độ cam kết.

Ông Nguyễn Đức Long - Chỉ huy trưởng dự án - cho biết, toàn bộ nguồn lực được huy động tối đa, làm 3 ca liên tục, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch.

Theo ông Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cầu Đại Ngãi 2 không chỉ giải quyết giao thông mà còn tạo cú hích phát triển kinh tế - nông nghiệp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.

Dịp lễ 30.4 năm nay, bên cạnh khánh thành nhiều công trình giao thông, hàng loạt dự án lớn cũng được khởi công.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm - tuyến rạch ô nhiễm dài gần 9km qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp - sẽ khởi công gói thầu đầu tiên trước ngày 30.4. Hai gói còn lại dự kiến triển khai trước 2.9.2025. Với tổng vốn hơn 17.200 tỉ đồng, đây là dự án chỉnh trang đô thị lớn nhất TPHCM, kỳ vọng cải thiện môi trường, giảm ngập và nâng cao chất lượng sống, hoàn thành vào năm 2028.

Cùng thời điểm, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ khởi công ngày 19.4. Dự án quy mô hơn 2.870ha, vốn đầu tư gần 217.000 tỉ đồng, dự kiến phục vụ 230.000 cư dân và đón 8-9 triệu lượt khách/năm, góp phần phát triển kinh tế biển và du lịch TPHCM.

Bà Rịa - Vũng Tàu lên kế hoạch khởi công tuyến đường kết nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chia thành 3 đoạn. Đoạn đầu dài 6,7km, nối Quốc lộ 56 (xã Hòa Long) đến vòng xoay Vũng Vằn, dự kiến khởi công ngày 24.4, thiết kế 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Hai đoạn còn lại gồm đoạn Vũng Vằn - đường ven biển (vốn 5.200 tỉ đồng) và đoạn từ đường ven biển đến vòng xoay Cửa Lấp (vốn khoảng 2.000 tỉ đồng).

https://laodong.vn/xa-hoi/gap-rut-hoan-thien-nhieu-cong-trinh-trong-diem-chao-mung-dip-304-1490371.ldo

NHÓM PV (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: