Thời sự
Cập nhật lúc 10:24 12/04/2025 (GMT+7)
Ninh Thuận vững vàng trở thành trung tâm năng lượng đất nước

Từ mảnh đất khô cằn đầy thử thách, trải qua 50 năm sau Ngày giải phóng và 33 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là địa phương phát triển khá trong khu vực, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới tương lai phồn vinh, hiện đại và bền vững.

Ninh Thuận vững vàng trở thành trung tâm năng lượng đất nước
Ninh Thuận kỳ vọng điện hạt nhân sẽ thúc đẩy phát triển, xã hội. Ảnh: Hữu Long

Tự hào một chặng đường

Ngay sau ngày giải phóng tỉnh (16.4.1975), Đảng bộ Ninh Thuận đã khẩn trương tiếp quản, thiết lập chính quyền cách mạng các cấp, giữ vững an ninh trật tự và ổn định đời sống nhân dân. Trong muôn vàn khó khăn của thời hậu chiến, tỉnh đã huy động toàn lực để xóa nạn mù chữ, khôi phục y tế, sản xuất, xây dựng lực lượng quốc phòng.

Từ năm 1976 đến 1991, Ninh Thuận là một phần của tỉnh Thuận Hải. Dưới tác động của công cuộc đổi mới, nhân dân Ninh Thuận từng bước vượt qua gian khó, khơi dậy nội lực phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực. Năm 1992, Ninh Thuận được tái lập, mở ra một giai đoạn mới đầy kỳ vọng và thử thách.

Sau 33 năm tái lập, tỉnh đã bứt phá mạnh mẽ. Từ một tỉnh thuần nông, Ninh Thuận trở thành điểm sáng phát triển kinh tế biển, công nghiệp năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch xanh. Thành quả ấy là minh chứng cho sự đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh chính trị vững vàng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Tăng tốc trên hành trình phát triển

Năm 2024, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ninh Thuận vẫn đạt kết quả ấn tượng: GRDP tăng 8,74%, xếp thứ 4/14 tỉnh khu vực và 16/63 tỉnh, thành; GRDP bình quân đầu người đạt 98,2 triệu đồng; thu ngân sách hơn 4.200 tỉ đồng, vượt 6,2% kế hoạch. Đặc biệt, tỉ trọng đóng góp từ kinh tế biển chiếm tới 42,22% GRDP - khẳng định vai trò mũi nhọn.

Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp đều tăng trưởng khá; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển vượt mục tiêu; giải ngân đầu tư công đạt yêu cầu. Ninh Thuận cũng trở thành 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn hơn 1,2 tỉ USD. Việc vận hành tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo góp phần nâng tầm kết nối vùng.

Song song, tỉnh chú trọng an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo chính sách, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh với nhiều đổi mới toàn diện, hiệu quả.

Ninh Thuận tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện hạ tầng chiến lược, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, cải cách hành chính, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế sâu rộng, vì một mục tiêu: Phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân.

Năm 2025 - năm có ý nghĩa bản lề, tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ - Ninh Thuận đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng, tận dụng tốt các cơ hội từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Cùng với việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, tỉnh đang dồn lực xây dựng thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 174 tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển xanh, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong tình hình mới và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

https://laodong.vn/kinh-doanh/ninh-thuan-vung-vang-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-dat-nuoc-1490207.ldo

HỮU LONG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: