Kinh tế Bắc Ninh, Bắc Giang trước khi sáp nhập
Bắc Ninh, Bắc Giang là thủ phủ khu công nghiệp, cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Bên trong 1 KCN ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Trần Tuấn
Tại hội nghị thông tin báo chí kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang quý I năm 2025 vào sáng 11.4, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Bắc Ninh đã họp bàn về việc sáp nhập hai tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Bắc Ninh đã thống nhất thành lập các tổ công tác để phục vụ triển khai việc sáp nhập hai tỉnh, trong đó có việc rà soát các chính sách, cơ sở vật chất, cán bộ hai tỉnh.
Theo đó, mốc cuối cùng để nộp hồ sơ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là trước ngày 1.5, và thời điểm lấy ý kiến cử tri vào ngày 20.4.
Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nhưng quy mô kinh tế của Bắc Ninh đứng thứ 9 cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước đạt 232,8 nghìn tỉ đồng.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,03% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng, tăng 14,8%.
Tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó 12 khu đã đi vào hoạt động. Nhiều năm liền, Bắc Ninh là tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước.
Bắc Ninh thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử và là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, Nokia, Amkor...
Tỉnh này cũng nhiều năm liền đứng đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đối với nông nghiệp, do tổng diện tích canh tác không lớn, chỉ hơn 31 nghìn ha nên tỉnh Bắc Ninh hướng trọng tâm vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Kế
Trong khi đó, năm 2024 và quý I.2025, Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước (trên 13%).
Quy mô nền kinh tế GRDP không ngừng mở rộng, đạt 207 nghìn tỉ đồng, duy trì vị trí thứ 12 cả nước. Thu hút đầu tư đạt trên 2,23 tỉ USD vốn đầu tư quy đổi, đứng thứ 11 cả nước.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 16 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất khoảng 3.683,94 ha; 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.329 ha.
Các KCN hầu hết tập trung ở thị xã Việt Yên, các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang... Được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo đường Quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không và các cảng sông, cảng biển.
Với diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha. Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản.
https://laodong.vn/kinh-doanh/kinh-te-bac-ninh-bac-giang-truoc-khi-sap-nhap-1490332.ldo
TRẦN TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)