Thời sự
Cập nhật lúc 12:18 17/04/2025 (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Theo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, phấn đấu điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỉ kWh và xác định rõ nhu cầu vốn đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Ảnh: VGP

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026-2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Trong đó, điện thương phẩm: Năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỉ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỉ kWh.

Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỉ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỉ kWh.

Công suất cực đại: Năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570 MW.

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất là 837.400MW, mặt nước là 77.400 MW và mái nhà là 48.200 MW).

Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không tính đến các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) đạt 46.459 - 73.416 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất đạt 293.088 - 295.646 MW.

Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật ở Việt Nam khoảng 221.000 MW). Ưu tiên bố trí các nguồn điện gió quy hoạch mới tại các địa phương có tiềm năng gió tốt, điều kiện kinh tế khó khăn.

Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của nước ta (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới: Tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 - 17.032 MW, dự kiến vận hành giai đoạn 2030 - 2035. Định hướng đến năm 2050 đạt 113.503 - 139.097 MW.

Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15.000 MW vào năm 2035 và khoảng 240.000 MW vào năm 2050.

Quyết định nêu rõ, giai đoạn 2026-2030: Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 136,3 tỉ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 118,2 tỉ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỉ USD.

Định hướng giai đoạn 2031-2035: Ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 130,0 tỉ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 114,1 tỉ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 15,9 tỉ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Định hướng giai đoạn 2036-2050: Ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 569,1 tỉ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 541,2 tỉ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 27,9 tỉ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-1492550.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: