Doanh nghiệp Việt trước chuyển đổi xanh và tiêu dùng nội địa
TPHCM - Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới quy trình sản xuất, đồng thời khai thác hiệu quả các xu hướng tiêu dùng nội địa.
Nâng cao năng lực sản xuất bền vững
Theo bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), việc Liên minh châu Âu (EU) triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sản xuất sạch là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu minh bạch lượng phát thải carbon và áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. "Việc tuân thủ CBAM sẽ không chỉ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm Việt Nam, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu" - bà Quyên nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường. Ảnh: Ngọc Lê
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Phương Nam - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu Klinov, cho rằng doanh nghiệp cần chủ động rà soát quy trình sản xuất, thực hiện kiểm kê phát thải và tính toán cường độ phát thải trên mỗi sản phẩm. Ông đề xuất các giải pháp như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, tối ưu hóa công nghệ để giảm phát thải, qua đó đáp ứng tiêu chuẩn CBAM một cách bền vững và hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào công nghệ sạch, cải thiện quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống quản lý phát thải và nâng cao năng lực báo cáo, xác minh dữ liệu phát thải. Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Cơ hội cho doanh nghiệp nội địa
Báo cáo từ Metric về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 cho thấy, nhóm ngành bách hóa - thực phẩm dẫn đầu tốc độ tăng trưởng, đạt mức 76,3%, nhờ nhu cầu cao đối với sản phẩm thiết yếu và sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến. Dự báo năm 2025, xu hướng này tiếp tục phát triển mạnh, với ưu tiên mua sắm các mặt hàng thực phẩm, đồ uống và sản phẩm chăm sóc trẻ em.
Doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng nội địa. Ảnh: Thanh Chân
Đón đầu xu thế tiêu dùng, Shopee đã công bố giảm 1% phí cố định đối với các ngành hàng thiết yếu từ tháng 6.2025, đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSME) như đào tạo kỹ năng thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm nội địa và phát triển các chiến dịch livestream sáng tạo nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu Việt.
Song song với các chính sách hỗ trợ, nền tảng này cũng đẩy mạnh quảng bá đặc sản vùng miền và các thương hiệu "Made in Vietnam", thúc đẩy tinh thần "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Các sáng kiến này không chỉ tạo động lực tiêu dùng trong nước mà còn mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường trực tuyến một cách hiệu quả hơn.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM, các doanh nghiệp cần một số nguồn vốn hỗ trợ trong giai đoạn này. Chính quyền TPHCM cần mở rộng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới. Đồng thời, phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào thị trường nội địa.
Trong bối cảnh các yêu cầu quốc tế ngày càng khắt khe và sự cạnh tranh trong nước ngày càng gay gắt, việc chủ động chuyển đổi xanh và tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử sẽ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.
https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet-truoc-chuyen-doi-xanh-va-tieu-dung-noi-dia-1503336.ldo
NGỌC LÊ (BÁO LAO ĐỘNG)