Đề xuất viện nghiên cứu tiêu tiền Nhà nước theo cơ chế khoán
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất cho các viện nghiên cứu chi tiền mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất cho viện nghiên cứu chi tiền theo cơ chế khoán. Ảnh: VGP
Chiều 11.2 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, tăng trưởng truyền thống dần tới giới hạn, chúng ta vừa tăng trưởng trên 7%, nếu muốn tăng thêm từ 7-10% thì phải có các động lực tăng trưởng mới. Điều này chỉ có thể đến từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nông nghiệp đã giúp cho Việt Nam thoát nghèo, FDI, công nghiệp giúp cho Việt Nam thành nước thu nhập trung bình. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất cùng với phương thức quản trị quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, tiến tới bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Theo bộ trưởng, việc nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ Nhà nước lại phải chi như tiền ngân sách của một đơn vị hành chính nhà nước.
Cơ quan nhà nước làm những việc đã biết, đã định nghĩa nhưng nghiên cứu là việc chưa biết, chưa có nên phải theo một cơ chế khác. Hãy để các viện nghiên cứu chi tiền mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán.
Như vậy, Nhà nước quản lý theo kết quả nghiên cứu, tức là theo mục tiêu, thay vì quản lý cách làm, quy trình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trường đại học cần thu hút được nghiên cứu. Điều này cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu.
Trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu, muốn vậy, trường đại học cần trở thành thỏi nam châm hút các nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu. Muốn có doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn cho họ, có vậy doanh nghiệp Việt Nam mới lớn mạnh được.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến.
Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, khơi dậy làn sóng khoa học công nghệ của cả nước.
Doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phải nhận lấy trách nhiệm đổi mới công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần tăng trưởng GDP.
Các tập đoàn thương mại dịch vụ lớn nên chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ công nghiệp thương mại và dịch vụ. Không làm công nghệ, không làm công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao.
"Các doanh nghiệp công nghệ lớn phải ra nước ngoài để chinh phục thế giới, thông qua đó học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-vien-nghien-cuu-tieu-tien-nha-nuoc-theo-co-che-khoan-1461701.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)