Sở GDĐT Hà Nội ra văn bản hướng dẫn dạy, học thêm
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tư 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 14.2 tới đây. Ảnh: Vân Trang
Văn bản do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội Trần Thế Cương ký ngày 11.2, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30.12.2024 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Sở cũng yêu cầu địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy học thêm theo đúng quy định.
"Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, phải thông tin kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua phòng Giáo dục trung học" - văn bản của Sở nêu.
Trước đó, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó nêu các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm.
Theo đó, giáo viên, nhà trường không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường cũng không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền đối với học sinh mình đang dạy.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm, 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.
Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường...
https://laodong.vn/giao-duc/so-gddt-ha-noi-ra-van-ban-huong-dan-day-hoc-them-1461758.ldo
HỮU CHÁNH (BÁO LAO ĐỘNG)