Hướng nghiệp cho người dân xuất khẩu lao động
Nhờ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, cơ quan chức năng TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Song song đó, chính quyền thành phố đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Ông Phạm Xuân Trung, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là giải pháp đột phá trong giảm nghèo, đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố.
Nhờ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố đã lồng ghép triển khai hiệu quả tư vấn và giới thiệu xuất khẩu lao động".
Theo ông Trung, xuất khẩu lao động không chỉ mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo nhanh, mà còn trang bị thêm kỹ năng và kiến thức để lập nghiệp khi trở về quê hương.
Nhận thấy ý nghĩa đó, UBND thành phố đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngày 5.1.2022, Thành ủy Buôn Ma Thuột ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về giảm nghèo bền vững, gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2022-2025.
Sau 3 năm triển khai, thành phố đã đạt các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Năm 2024, thành phố giải quyết việc làm cho 6.750 người, trong đó 113 lao động xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Nhật Bản.
Người lao động bày tỏ hài lòng với chế độ chính sách tại các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời gửi tiền về hỗ trợ gia đình đều đặn mỗi tháng.
Cơ quan chức năng địa phương cũng theo sát tình hình người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo hỗ trợ kịp thời khi cần, giúp họ yên tâm làm việc và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế gia đình và xã hội.
Triển khai đồng bộ các chính sách
Mặc dù đạt nhiều thành quả, công tác tư vấn và hỗ trợ xuất khẩu lao động tại TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa chú trọng tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Hoạt động thúc đẩy xuất khẩu lao động trong các tổ chức, đoàn thể cũng chưa sâu rộng và đồng bộ.
Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, gắn với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.”
Theo ông Hưng, các đơn vị liên quan cần kết hợp đào tạo nghề với việc đẩy mạnh tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như các đơn vị tuyển dụng lao động xuất khẩu, tổ chức các buổi tuyên truyền và giới thiệu việc làm lưu động tại các xã, phường để kết nối việc làm hiệu quả hơn.
Ngoài ra, địa phương sẽ thường xuyên cập nhật và công khai nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia.
https://laodong.vn/xa-hoi/buon-ma-thuot-thuc-day-xuat-khau-lao-dong-cho-nguoi-dan-1430666.ldo