Thời sự
Cập nhật lúc 02:00 11/02/2025 (GMT+7)
Bộ GDĐT nêu quan điểm mới nhất về dạy thêm, học thêm

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã có những chia sẻ liên quan đến quy định mới về dạy thêm, học thêm.

Ngày 30.12.2024, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14.2.2025.

Trao đổi với Lao Động chiều 10.2, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Thông tư 29 quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

"Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GDĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ quan điểm liên quan đến quy định mới về dạy thêm, học thêm. Ảnh: MOET
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ quan điểm liên quan đến quy định mới về dạy thêm, học thêm. Ảnh: MOET

Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình" - Thứ trưởng nói và khẳng định, quan điểm của Bộ GDĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.

Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…, để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề.

"Học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - Thứ trưởng nêu quan điểm.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận, cho đến thời điểm này, qua theo dõi dư luận, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội. Tuy nhiên, để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống, Thứ trưởng đề cập đến trách nhiệm của các bên: Bộ GDĐT, UBND các tỉnh; các Sở GDĐT; nhà trường, thầy cô và toàn xã hội.

"Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GDĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.

Hiện nhiều Sở GDĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đề nghị các Sở GDĐT tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương.

Đối với các nhà trường và thầy cô, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình.

Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề" - Thứ trưởng phân tích.

Nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của cả người học và người dạy, Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, sẽ có những giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả, gồm: Ban hành Thông tư, các quy định cụ thể; Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh; Đổi mới kiểm tra đánh giá; Tăng cường cơ sở vật chất, trường học; Tăng cường thanh tra, kiểm tra; tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo.

"Đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề chúng ta đang bàn tới là dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành Giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.

Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả" - Thứ trưởng bày tỏ mong muốn.

https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-neu-quan-diem-moi-nhat-ve-day-them-hoc-them-1461212.ldo

TƯỜNG VÂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: