Áp lực bán ròng của khối ngoại lên thị trường chứng khoán
Chỉ mới bước qua chặng đường ba tháng đầu năm, nhưng khối ngoại đã bán ròng một lượng lớn cổ phiếu gần 1 tỉ USD trên thị trường chứng khoán.
Động thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn cần được theo dõi. Ảnh: Lê Toàn
Thị trường chứng khoán vẫn đang nỗ lực giữ vững mốc 1.300 điểm sau bao nhiêu khó khăn nhờ vào điểm tựa lớn nhất chính là dòng tiền nội. Trong khi đó, trái ngược với những dự báo của giới đầu tư, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) vẫn đang gây ra áp lực khá lớn vì lực bán ròng mạnh.
Chỉ trong thời gian ngắn 3 tháng đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một giai đoạn "xả" hàng chưa từng có. Lũy kế quý I/2025, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 26 nghìn tỉ đồng trên toàn thị trường, tương ứng hơn 1 tỉ USD đã bị rút ra khỏi sàn chứng khoán Việt Nam. Lực bán ròng này tương đương 20% tổng giá trị bán ròng cả năm 2024 và gần bằng cả năm 2023.
Đà bán ròng trong 3 tháng đầu năm tập trung vào cổ phiếu công nghệ FPT, giá trị vượt mức 6.800 tỉ đồng. Ngay sau là cổ phiếu VNM ghi nhận bị bán ròng gần 2.200 tỉ đồng từ đầu năm. Bên cạnh đó, một số mã ngân hàng, chứng khoán cũng ghi nhận giá trị bán ròng trên 1.200 tỉ đồng trong vòng 3 tháng qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, áp lực này chủ yếu xuất phát từ yếu tố tỉ giá tăng và xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm ASEAN. Xu hướng bán ròng cũng cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam.
Thị trường luôn đồng thuận về sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt, cũng như khả năng sớm thăng hạng lên Emerging Market (thị trường mới nổi) sẽ thu hút dòng vốn ngoại, nhưng thực tế điều trái ngược đang diễn ra. Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây, với tỉ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.
Một nguyên nhân khác đó là việc định giá thị trường cổ phiếu Việt Nam không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác, dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính và bất động sản. Thị trường vẫn thiếu hàng hóa chất lượng. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm.
Trong báo cáo chiến lược tháng 3.2025, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá dòng tiền đầu tư trên toàn cầu đang cho thấy, nhà đầu tư ngoại thận trọng giải ngân vào quỹ cổ phiếu và tìm đến các tài sản khác như trái phiếu hay tiền tệ.
Với quỹ cổ phiếu, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển vẫn giữ được xu hướng mua ròng. Tuy nhiên, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi rút ròng mạnh. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, quy mô rút ròng tăng lại ở cả quỹ ETF lẫn quỹ chủ động.
Việc đảo chiều dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam là việc không đơn giản và sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn. Kỳ vọng về sự trở lại của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản và thách thức.
Những yếu tố như diễn biến kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn và mức độ hấp dẫn của thị trường nội địa so với các khu vực khác đều có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, quá trình này sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn và cần thêm thời gian để các điều kiện thuận lợi hơn được định hình.
Tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại đang giảm dần, trong khi dòng tiền nội địa ngày càng quan tâm đến chứng khoán, giúp hạn chế tác động của lực bán ròng lên thị trường. Ngược lại, xét về trung hạn, khi các yếu tố vĩ mô toàn cầu ổn định, sự trở lại của dòng vốn ngoại có thể trở thành chất xúc tác quan trọng cho thị trường Việt Nam, đặc biệt khi nhận được tín hiệu nâng hạng từ FTSE Russell.
https://laodong.vn/kinh-doanh/ap-luc-ban-rong-cua-khoi-ngoai-len-thi-truong-chung-khoan-1485155.ldo
Gia Miêu (BÁO LAO ĐỘNG)