Phát biểu tại chương trình, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) hết sức quan trọng, nhằm thể chế hóa tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Qua đó, phát huy bản chất, vị trí, vai trò vốn có của tổ chức Công đoàn Việt Nam sau hơn 90 năm hình thành và phát triển.
Việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, chính trị - xã hội, tình hình thực tiễn hoạt động Công đoàn và sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay.
Theo đó, trên cơ sở thừa kế Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 35 điều (sửa đổi, bổ sung 26 điều so với quy định hiện hành). Trong đó, nhiều nội dung được đại biểu quan tâm, góp ý kiến như quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của các "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp"; trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động, cơ chế tài chính; cơ chế bảo vệ đội ngũ cán bộ Công đoàn… Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung một số quy định mới như quy định "Phản biện xã hội của Công đoàn" với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động…
Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho rằng hoạt động của Công đoàn cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn, không chỉ khó về thời gian hoạt động, nhiều nơi, chủ doanh nghiệp còn can thiệp quá sâu vào tài chính Công đoàn. Trong khi đó, quy định về các chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở rất nhiều. Ông Hà cho rằng: "Không nên giao "chiếc áo quá rộng" cho Công đoàn cơ sở như lãnh đạo đình công… trong khi các quy định bảo vệ cán bộ Công đoàn còn nhiều bất cập. Thực tiễn cho thấy có một số trường hợp, chúng ta không thể bảo vệ cán bộ Công đoàn khi họ dám đứng ra đấu tranh để bảo vệ NLĐ"
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM cũng cho rằng cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn mạnh mẽ hơn để họ có thể mạnh dạn thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Ông Triều cũng cho rằng nên phục hồi Điều 17 của Luật Công đoàn 2012 vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định quyền, trách nhiệm của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở để tạo điểm tựa cho người lao động khi họ bị vi phạm về quyền lợi nhưng công ty lại chưa có Công đoàn.