Lo xáo trộn lao động
Từ tháng 2 đến tháng 7, do đơn hàng sụt giảm nên gần 2.500 lao động tại Công ty CP Giày Thiên Lộc không được tăng ca, thậm chí phải giảm giờ làm, thu nhập vì thế giảm gần một nửa (chỉ còn khoảng 5,5 triệu đồng/tháng). Trong khoảng thời gian này, gần 500 công nhân (CN) đã xin nghỉ để tìm công việc mới hoặc về quê.
Sau nhiều nỗ lực, từ tháng 7, đơn hàng của công ty đã khôi phục và CN đã được bố trí tăng ca trở lại. Tuy nhiên, việc 500/2.000 lao động còn lại lại rục rịch xin nghỉ việc để rút BHXH một lần, trong đó có nhiều người làm công tác quản lý khiến công ty lo lắng.
"Số lao động làm việc lâu năm, tham gia BHXH trên 10 năm chiếm khoảng 2/3. Do vậy, con số 500 lao động có ý định nghỉ việc rút BHXH một lần lần này có thể chưa phải là con số cuối cùng. CN xin nghỉ quá nhiều sẽ khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn bởi hiện nay việc tuyển lao động không phải dễ" - ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết.
Không chỉ gây xáo trộn tình hình lao động trong DN, việc NLĐ rủ nhau rút BHXH một lần nhằm tránh sự tác động do việc thay đổi của chính sách cũng khiến cung - cầu lao động lệch pha. Mới đây, khi tham gia sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, TP HCM tổ chức, 33 DN đã mang đến khoảng 4.000 vị trí việc làm.
Tuy nhiên, kết quả là nhiều NLĐ không tìm được việc làm phù hợp, còn DN thì bế tắc trong tuyển dụng. Một cán bộ nhân sự của Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho hay DN đang cần tuyển khoảng 200 CN. Thử việc đạt yêu cầu, NLĐ sẽ được ký hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Thế nhưng, đa số NLĐ chỉ muốn làm thời vụ do đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và chờ hưởng BHXH một lần.
Người lao động tại TP HCM tìm thông tin việc làm tại một sàn giao dịch việc làm
Không nên phân biệt
Tại dự thảo mới nhất của Luật BHXH (sửa đổi), ban soạn thảo vẫn đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần. Phương án 1, việc rút BHXH một lần được giải quyết với 2 nhóm lao động khác nhau. Nhóm một là NLĐ đóng tham gia trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nhóm hai, với người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sẽ không được nhận BHXH một lần; phương án 2, NLĐ đóng BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện thì được rút một lần nếu có yêu cầu, nhưng chỉ được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ sau khi đủ điều kiện.
Tại phiên họp thứ 25 cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng mỗi phương án đều có ưu nhược điểm và tồn tại nhiều ý kiến khác nhau nên ban soạn thảo cần nghiên cứu tích hợp những mặt tốt nhất của hai phương án để cho ra một phương án tối ưu. Chẳng hạn, đối với những người tham gia sau khi Luật BHXH có hiệu lực không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động.
Với người tham gia trước khi Luật Sửa đổi có hiệu lực được rút BHXH một lần nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, bảo lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này, theo Chủ tịch Quốc hội, vừa để giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hồng, Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Mở TP HCM, cho rằng không nên phân biệt việc hưởng BHXH một lần đối với các nhóm đối tượng có thời gian tham gia BHXH khác nhau vì cần có sự công bằng, nhất quán trong chính sách. Theo bà Hồng, BHXH một lần vẫn nên được giải quyết đối với trường hợp NLĐ chứng minh được bản thân đang gặp khó khăn thực sự (tai nạn, bệnh hiểm nghèo, có nhu cầu cấp thiết về tài chính), định cư nước ngoài.
Những trường hợp này (trừ định cư nước ngoài), ngoài rút BHXH, có thể được xem xét hỗ trợ một phần BHYT và trợ cấp khó khăn. Đối với NLĐ không thuộc các trường hợp trên, nếu muốn hưởng BHXH một lần thì quyền lợi hưởng sẽ thấp hơn so với trường hợp chờ nhận chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Thêm chế độ hỗ trợ NLĐ: Để NLĐ ở lại hệ thống an sinh lâu dài, theo bà Nguyễn Thị Hồng, ban soạn thảo cũng cần thiết kế thêm một số chế độ hỗ trợ NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH nhưng đang chờ đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí trong trường hợp họ bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo, thất nghiệp, gặp khó khăn trong cuộc sống... Nguồn hỗ trợ có thể trích từ tiền lãi của Quỹ BHXH được tái đầu tư.