Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn
Cập nhật lúc 02:04 10/05/2024 (GMT+7)
Luật Công đoàn (sửa đổi): Cần bổ sung hành vi trốn, chậm đóng kinh phí công đoàn

Nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự án luật, nhất là cơ chế quản lý tài chính công đoàn được nêu tại hội nghị góp vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

 

Cần bổ sung vào luật hành vi cấm “trốn đóng”, “chậm đóng” kinh phí công đoàn
Đồng chí Nguyễn Thành Đoan - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL góp ý vào án Luật Công đoàn (sửa đổi). Dảnh ĐL

Tăng chế tài đảm bảo đóng kinh phí công đoàn

Đồng chí Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa qua, đơn vị này tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 100 cán bộ công đoàn thuộc 3 cấp là cấp tỉnh, cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở tham gia.

“Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) về cả tổ chức, bộ máy, cán bộ công đoàn, cơ chế quản lý tài chính và đảm bảo điều kiện hoạt động của tổ chức cũng như cán bộ công đoàn”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Được nói.

Đơn cử như, Trưởng Ban Chính sách – Tuyên giáo – Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng Đỗ Đức Thiệm cho rằng, cần luật hóa các quy định hiện hành về tài chính công đoàn để hoàn thiện Luật Công đoàn và đảm bảo tính pháp lý cao trong thực thi pháp luật.

Hiện nay về hoạt động tài chính công đoàn đang được quy định tại các điều 26, 27 Luật Công đoàn năm 2012; các điều 5,6,7 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn và Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngày 17/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cần bổ sung vào luật hành vi cấm “trốn đóng”, “chậm đóng” kinh phí công đoàn
Công đoàn ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác mang lại phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: ĐL

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần nghiên cứu, bổ sung các quy phạm pháp luật về tài chính công đoàn tại các nghị định này thành các điều khoản của Luật Công đoàn về phương thức đóng kinh phí công đoàn, nguồn đóng kinh phí công đoàn và chế tài xử lý vi phạm trong đóng kinh phí công đoàn.

“Cần nghiên cứu bổ sung thêm các hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn và trốn đóng kinh phí công đoàn vào Điều 10 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cũng đưa vào điều cấm, nêu rõ về các hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và quy định chế tài xử lý tương ứng. Vậy tại sao dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) không đưa các hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn và trốn đóng kinh phí công đoàn vào điều cấm”, đồng chí Đỗ Đức Thiệm nêu vấn đề.

Theo đồng chí Đỗ Đức Thiệm nói thêm, cần quy định chế tài tương ứng, đủ mạnh đối với các hành vi này cả về kinh tế và xã hội như: Đóng đủ số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, trốn đóng.

Hay, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng; áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Cần bổ sung vào luật hành vi cấm “trốn đóng”, “chậm đóng” kinh phí công đoàn
Liên đoàn Lao động tỉnh lâm Đồng tổ chức hội nghị góp ý đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: ĐL

Phải trả bằng tiền nếu không bố trí được thời gian cho cán bộ công đoàn

Về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn, tất cả các ý kiến đều thống nhất với việc quy định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn như khoản 2 Điều 27 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung chế tài phù hợp để đảm bảo điều kiện làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách trong thực thi pháp luật.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Trọng Lưu Văn Lợi cho rằng: “Nếu quy định cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn thì chưa rõ chủ thể nào có trách nhiệm đảm bảo thời gian làm nhiệm vụ công đoàn của cán bộ công đoàn. Như vậy sẽ khó khăn trong thực thi quy định này. Cần phải quy định cụ thể là cán bộ công đoàn không chuyên trách được đơn vị sử dụng bố trí thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn. Có như vậy mới rõ trách nhiệm của đơn vị sử dụng”.

Cần bổ sung vào luật hành vi cấm “trốn đóng”, “chậm đóng” kinh phí công đoàn
Công đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nâng ca đời sống cho người lao động. Ảnh: ĐL

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Trọng đề nghị sửa khoản 2 Điều 27 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như sau: “2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được đơn vị sử dụng bố trí thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn”…

Đồng thời đề nghị bổ sung 01 điểm về thẩm quyền phân chia thời gian cụ thể cho mỗi vị trí cán bộ công đoàn trong đơn vị sử dụng lao động. Việc phân chia thời gian cụ thể cho mỗi vị trí cán bộ công đoàn trong đơn vị sử dụng lao động do ban chấp hành công đoàn tại đơn vị đó quyết định và thông báo bằng văn bản cho đơn vị sử dụng lao động.

Còn đồng chí Nguyễn Hoàng Thanh, ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Bảo Lộc thì cho rằng, tại Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012 đã quy định về đảm bảo thời gian làm việc của cán bộ công đoàn, nhưng chưa có quy định cụ thể về chế tài. Nên trong thực tế rất nhiều đơn vị sử dụng lao động, trong đó có cả cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng quy định về đảm bảo thời gian cho cán bộ công đoàn để thực hiện nhiệm vụ công đoàn nhưng cũng không bị xử lý vi phạm.

“Đề nghị nghên cứu bổ sung thêm 01 khoản trong Điều 27 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Cụ thể là: “Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không bố trí được thời gian cho cán bộ công đoàn không chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ công đoàn theo các điểm a, b, c, d và e khoản 2 điều này thì phải trả tiền cho cán bộ công đoàn bằng với số tiền làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động”, đồng chí Nguyễn Hoàng Thanh nêu kiến nghị.

Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngày 17/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Điều 38. Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn

1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;

b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;

c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2023 của Chính Phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn

Điều 5. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

Điều 6. Phương thức đóng kinh phí công đoàn

1. Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

3. Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.

Điều 7. Nguồn đóng kinh phí công đoàn

1. Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng kinh phí công đoàn và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

2. Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng kinh phí công đoàn tính theo quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần kinh phí công đoàn phải đóng còn lại, đơn vị tự bảo đảm theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều này.

3. Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng kinh phí công đoàn được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.

4. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại, khoản đóng kinh phí công đoàn được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Theo Tạp chí LĐ và CĐ

In
Về đầu
Lượt truy cập: