Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 09:47 02/07/2025 (GMT+7)
Tăng lương tối thiểu vùng để giữ chân công nhân

Nhiều người lao động kỳ vọng mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1.1.2026, giúp cải thiện thu nhập, kéo theo các khoản phụ cấp và đảm bảo đời sống tối thiểu trong bối cảnh vật giá leo thang. Doanh nghiệp cũng thừa nhận, muốn giữ chân người lao động thì thu nhập phải đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Tăng lương tối thiểu vùng để giữ chân công nhân
Với nhiều công nhân xa quê đi làm ở Khu công nghiệp Thăng Long, tăng lương tối thiểu vùng sớm giúp họ an tâm hơn với cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Hương

Tăng lương tối thiểu vùng kéo theo nhiều khoản phụ cấp

Anh Nguyễn Hữu Hậu (33 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, là một trong số đó.

Anh Hậu cho biết, hiện mức lương cơ bản anh nhận là 5.430.000 đồng/tháng - cao hơn 470.000 đồng so với mức lương tối thiểu vùng I (4.960.000 đồng). Với anh, việc tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2026 là điều cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, anh Hậu đưa ra lý do vì sao việc tăng lương tối thiểu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ.

Theo anh Hậu, việc tăng lương tối thiểu vùng không chỉ giúp cải thiện thu nhập cơ bản mà còn tác động trực tiếp đến các khoản phụ cấp đi kèm. Anh dẫn chứng: “Năm ngoái, khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, tôi được tăng thêm mỗi khoản phụ cấp độc hại, trách nhiệm và thâm niên khoảng 50.000 đồng. Tổng lại, cũng thêm được vài trăm nghìn đồng, đỡ phần nào chi phí sinh hoạt”.

Lý do thứ hai mà nam công nhân nêu ra là tác động của lương cơ bản đến thu nhập những ngày nghỉ theo quy định.

“Nếu lương cơ bản tăng, thu nhập vào những ngày này cũng tốt hơn nhiều” - anh Hậu phân tích.
Công ty TNHH Maple (Khu công nghiệp VSIP, Hải Phòng) hiện tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Hằng năm, công ty đều có khảo sát sự hài lòng của NLĐ về mức chi trả của công ty có bảo đảm mức chi tiêu hàng tháng của NLĐ. Qua 4 lần khảo sát, phần lớn NLĐ cho rằng, thu nhập hiện tại không đủ chi trả các khoản sinh hoạt của NLĐ.

Qua khảo sát, những gia đình công nhân 2 vợ chồng, 2 con, thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng cũng chỉ tạm đủ chi tiêu hàng tháng, nếu cả nhà không ốm đau. Để tăng thu nhập, hầu hết công nhân lựa chọn tăng ca, có những tháng tăng ca 70-80 tiếng. Tuy nhiên, hệ lụy của việc tăng ca nhiều là nguy cơ bệnh nghề nghiệp, tai nạn sau giờ làm việc, NLĐ phát sinh chi phí thuê người trông con, đưa đón con, chăm sóc bố mẹ già...

“NLĐ mong chờ chính sách tăng lương của Nhà nước cũng như của công ty, ít nhất 1 năm/lần mức khoảng 7%, tuy không nhiều nhưng là cách để động viên tinh thần cho NLĐ”, bà Bùi Hồng Liên - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Maple cho hay.

Động lực để doanh nghiệp điều chỉnh lương

Tại Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), theo ông Đào Xuân Thu - Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, doanh nghiệp hiện đang chi lương tối thiểu cao hơn 7%, là 5.980.000 đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của NLĐ là 11 triệu đồng/tháng. Nếu chi trả theo lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp rất khó để tuyển lao động. Thực tế cho thấy, tiền lương phải từ 6 triệu đồng trở lên mới có thể tuyển dụng lao động. Thu nhập bảo đảm 8-10 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp mới giữ chân được NLĐ.

“Công nhân trẻ, mới đi làm có thể chấp nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, nhưng với NLĐ có gia đình thì khoản này không đủ sống. Mức tăng lương hàng năm phải 10% mới tăng được chất lượng cuộc sống NLĐ, còn nếu tăng khoảng 5-6% thì chỉ bù được các khoản trượt giá” - ông Thu cho biết.

Theo kết quả khảo sát do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3 - 4.2025 với gần 3.000 người lao động trả lời phiếu tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có tới 12,5% NLĐ phải vay mượn hàng tháng để trang trải cuộc sống; 29,9% cho biết họ phải vay tiền thỉnh thoảng, khoảng 3 - 4 tháng/lần.

Từ thực tế đó, Tổng LĐLĐVN tiếp tục khẳng định sẽ thương lượng để mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 đạt từ 8,3 - 9,2% và đề xuất áp dụng tăng vào thời điểm ngày 1.1.2026.

Dù còn nhiều bước thương lượng phía trước, song kỳ vọng của NLĐ là rõ ràng: Được trả công xứng đáng, đủ sống và có cơ hội thoát khỏi cảnh “làm ngày nào, ăn ngày đó”.

https://laodong.vn/cong-doan/tang-luong-toi-thieu-vung-de-giu-chan-cong-nhan-1532991.ldo

Hương Dung (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: