Quy trình nhận chế độ thai sản của lao động nam từ 1.7
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ ngày 1.7, quy trình nhận chế độ thai sản của lao động nam có 1 số thay đổi.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ ngày 1.7, quy trình nhận chế độ thai sản của lao động nam có một số thay đổi. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngay sau khi vợ sinh con, người cha đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc chỉ cần chuẩn bị bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của bé; nếu muốn được tính mức nghỉ cao hơn vì sinh mổ hoặc trẻ dưới 32 tuần, hồ sơ bổ sung thêm giấy ra viện hoặc xác nhận của cơ sở y tế ghi rõ tình trạng ca sinh.
Người lao động nộp bộ hồ sơ này cho doanh nghiệp chậm nhất 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ nghỉ thai sản của mình. Sau khi tiếp nhận, người sử dụng lao động phải lập danh sách và chuyển toàn bộ giấy tờ lên cơ quan BHXH trong 7 ngày làm việc. Cơ quan BHXH có thêm 7 ngày làm việc để giải quyết, hoặc 5 ngày nếu người cha tự nộp hồ sơ (trường hợp đã nghỉ việc, không còn công ty).
Tiền trợ cấp - tương đương 100% mức bình quân tiền lương đóng BHXH của 6 tháng gần nhất - sẽ được chi trả qua tài khoản ngân hàng, trực tiếp tại BHXH hoặc thông qua doanh nghiệp, tùy lựa chọn của người lao động.
Với BHXH tự nguyện, thủ tục gọn hơn. Theo đó, người cha chỉ mang bản sao khai sinh (hoặc giấy chứng sinh) nộp cho BHXH trong 60 ngày kể từ ngày con chào đời. Cơ quan BHXH xử lý trong vòng 5 ngày làm việc và chi trợ cấp cố định 2 triệu đồng mỗi con, nguồn chi từ ngân sách Nhà nước.
Nếu nộp hồ sơ muộn hoặc doanh nghiệp/BHXH giải quyết chế độ thai sản quá hạn, các bên phải kèm văn bản giải trình; việc chậm trễ gây thiệt hại có thể phải bồi thường theo Điều 92 của Luật.
https://laodong.vn/cong-doan/quy-trinh-nhan-che-do-thai-san-cua-lao-dong-nam-tu-17-1533296.ldo
Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)