Lương tối thiểu vùng thấp khiến nhiều lao động thiệt thòi khi hồi hương
Nhiều lao động về quê làm việc hoặc chuyển nơi làm việc mới chia sẻ, họ phải đóng bảo hiểm xã hội mức thấp hơn do thay đổi lương tối thiểu vùng.
Làm việc tại Khu công nghiệp ở Đồng Nai, chị Phạm Thị Lý cho biết, được công ty đóng bảo hiểm xã hội mức 5,3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi trở về quê hương Bắc Giang (cũ) làm việc, điều chị thấy tiếc nuối nhất là mức đóng bảo hiểm xã hội chỉ 4,3 triệu đồng.
"Công ty trước đây tôi làm ở Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, thuộc vùng 1 nên được đóng bảo hiểm xã hội mức cao nhất. Bây giờ làm ở quê thuộc vùng 3, mức đóng thấp hơn 1 triệu đồng, tôi cảm thấy rất thiệt thòi khi hưởng các chế độ bảo hiểm” - chị Lý nói.
Chia sẻ thêm, chị Lý cho hay, mức đóng công ty vẫn đang cao hơn khu vực. Nhiều công ty khác mức đóng bảo hiểm chỉ khoảng 4,15 triệu đồng, dù thấp nhưng vẫn đúng quy định.
Về quê, thay đổi lương tối thiểu vùng, mức đóng bảo hiểm xã hội của chị Phạm Thị Lý giảm 1 triệu đồng/tháng. Ảnh: Minh Hương
Theo nữ công nhân, sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng như hiện tại là không công bằng. Nhiều năm sống ở thành phố, chi phí các mặt hàng không khác nhiều ở quê, thứ tốn kém nhất là chi phí thuê phòng trọ, điện nước.
Tuy nhiên, theo chị Lý, công nhân không chỉ sống bằng lương cơ bản (mức lương đóng bảo hiểm xã hội). Người lao động phải tăng ca hoặc cố gắng ra nhiều sản lượng để đạt được thu nhập cao.
Nữ công nhân nhận định, dựa vào vùng để thiết lập lương tối thiểu vùng không còn hợp lý. Chị Lý đề xuất nên bỏ quy định lương tối thiểu theo từng vùng, chỉ thiết lập mức lương cơ bản chung hoặc giảm sự chênh lệch mức lương giữa các vùng để người lao động yên tâm khi muốn hồi hương làm việc.
“Không phải người lao động nào cũng có điều kiện bám trụ ở thành phố lâu dài. Nên thu hẹp khoảng cách lương tối thiểu vùng giữa các vùng hoặc quy định một mức lương tối thiểu chung. Có như vậy mới thôi thúc mọi người về quê an cư, an tâm với đồng lương nếu làm theo thời gian cũng như các chế độ bảo hiểm được hưởng” - chị Lý nói.
Gần 10 năm gắn bó với công ty giày da, chị Nguyễn Thị Phương được công ty đóng bảo hiểm xã hội mức 5,3 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang công ty khác làm việc, chị Phương chỉ được đóng bảo hiểm mức 4,2 triệu đồng.
“Sang công ty mới, không cần biết trước đây làm chức vụ gì, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu, tôi chỉ được đóng bảo hiểm xã hội mức thấp nhất rồi tăng dần theo thời gian” - chị Phương cho hay.
Chị Phương cho biết, chỉ khi làm quản lý hoặc vị trí quan trọng mới được xem xét mức đóng bảo hiểm cao hơn. Mức thấp nhất vẫn cao hơn lương tối thiểu vùng nên hoàn toàn đúng quy định nhưng khá thiệt thòi cho người lao động.
Nữ công nhân chia sẻ, bản thân làm việc theo thời gian nên lương tối thiểu vùng vừa giúp đảm bảo thu nhập ổn định vừa đảm bảo các chế độ bảo hiểm thiết thực hơn. Tuy nhiên, các công ty lại rất hạn chế tăng lương tối thiểu vùng, chỉ tăng khi Nhà nước điều chỉnh, người lao động mới luôn bị thiệt thòi nhiều nhất.
“Sau này nếu hưởng thất nghiệp, tôi chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu hưởng theo mức đóng 5,3 triệu đồng ở công ty cũ, tôi sẽ được 3,2 triệu đồng/tháng. Đóng thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lương hưu về sau” - chị Phương nói.
Để đạt được vị trí quản lý ở vị trí lao động phổ thông, chị Phương cho rằng vô cùng khó khăn. Vì thế, hơn ai hết, nữ công nhân luôn mong muốn lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất 6% định kỳ mỗi năm tăng một lần.
Bên cạnh đó, nữ công nhân cũng mong muốn Nhà nước xem xét quy định mức đóng bảo hiểm xã hội tại công ty mới khi chuyển nơi làm việc bằng hoặc thấp hơn không quá 10% mức đóng ở công ty cũ để an tâm về các quyền lợi.
https://laodong.vn/cong-doan/luong-toi-thieu-vung-thap-khien-nhieu-lao-dong-thiet-thoi-khi-hoi-huong-1533408.ldo
Minh Hương (báo lao động)