Lao động nữ được hưởng nhiều quyền lợi theo quy định của Bộ luật Lao động. Ảnh: Hải Nguyễn
Chưa cảm nhận rõ quyền lợi
Chị Trương Ngọc Anh là nhân viên phòng kế toán - thu mua của một công ty chuyên cung ứng thực phẩm, hàng gia dụng Nhật Bản. Làm việc tại công ty được 4 năm, chị Ngọc Anh kết hôn giữa năm 2024 và hiện đang mang thai con đầu lòng.
Từ khi mang thai, chị Ngọc Anh nghiên cứu nhiều về chế độ bảo hiểm xã hội, Luật Lao động để tìm hiểu quyền lợi của mình. Chị có đề xuất với lãnh đạo phòng để báo cáo lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện cho hưởng các quyền lợi theo quy định pháp luật.
“Trước đây, công việc của tôi gần như không cố định thời gian. Khi bộ phận bán hàng có yêu cầu, 22h đêm, tôi vẫn phải liên lạc với nhà cung cấp để đặt hàng, thực hiện các thủ tục thanh toán… Từ khi mang thai, tôi có đề nghị chỉ làm giờ hành chính. Nhưng kể từ khi có đề xuất, 2 tháng sau, tôi mới được công ty bố trí nhân lực để giảm bớt 1 phần công việc ngoài giờ hành chính. Nói chung, chưa có nhiều chuyển biến về quyền lợi, tôi cũng chưa cảm nhận rõ quyền lợi khác biệt khi mang thai”, chị Ngọc Anh cho hay.
Chị Đàm Thị Mai là công nhân chuyền may tại một công ty may ở quận Hà Đông (Hà Nội). Khi mang thai con đầu lòng, chị Mai có đề xuất với trưởng bộ phận để được bố trí công việc nhẹ hơn theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, sau 2 tháng sắp xếp, công ty vẫn chưa giảm tải nổi công việc cho chị Mai.
“Tôi chờ mãi thì được trưởng bộ phận thông báo tôi tự ngắm nghía trong bộ phận, trong chuyền có vị trí nào công việc nhẹ nhàng hơn thì chủ động đề xuất. Vấn đề là trong cùng bộ phận thì công việc của ai cũng như nhau…”, chị Mai chia sẻ.
Thực hiện quyền lao động nữ phụ thuộc rất lớn vào chủ doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về việc thực hiện các quyền của lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai, ông Phạm Ngọc Phú - Giám đốc Công ty Mỹ thuật ứng dụng Phú Anh - cho hay, việc thực hiện, tạo điều kiện thực hiện các quyền lợi này phụ thuộc rất lớn vào cái tâm, ý thức tuân thủ của người sử dụng lao động.
Ông Phú cho biết, công ty của ông có hơn 80 nhân sự, 60% là lao động nữ. Trong đó, phụ nữ đang tuổi thai sản chiếm tới 70%.
“Nhiều năm qua, tôi nghiêm túc thực hiện chính sách ưu đãi cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai. Ví dụ, có nhân sự bộ phận thiết kế, thi công vào thời kỳ thai sản, tôi sẵn sàng chuyển các bạn về bộ phận nhân sự, hành chính, đảm trách công việc nhẹ nhàng hơn để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, tuyệt đối hạn chế cử cán bộ mang thai đi công tác, công trường và làm thêm ngoài giờ”, ông Phú nói.
Theo Bộ luật Lao động, phụ nữ mang thai có nhiều quyền lợi. Trong đó, theo Khoản 2 Điều 137, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Khoản 1 Điều 137 quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
https://laodong.vn/cong-doan/quyen-loi-lao-dong-nu-mang-thai-chua-duoc-thuc-thi-day-du-1465616.ldo