Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 03:43 15/03/2023 (GMT+7)
Quy định tuổi nghỉ hưu hay năm đóng BHXH?

(NLĐO) - Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động góp ý không nên quy định tuổi nghỉ hưu mà quy định năm đóng BHXH để được nghỉ hưu.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH 1 lần.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu ra 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH 1 lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Xung quanh 2 phương án này, Báo Người Lao Động có bài viết: "Có nên quy định cứng tuổi nghỉ hưu?" và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bạn đọc Đinh Xuân Tình bày tỏ: "Rất cám ơn Báo Người Lao Động đã và đang đồng hành cùng người lao động. Ngành bảo hiểm xã hội cũng chưa đáp ứng được mong mỏi của người lao động. Người lao động, nhất người lao động trực tiếp rút BHXH một lần chủ yếu do không đủ sức khỏe để chờ hưởng lương, nhất là với mức tăng tuổi hưu như hiện nay. Theo tôi, nên phải tách khối lao động chân tay ra khác với khối lao động hành chính. Khối lao động hành chính thì giữ nguyên như quy định hiện hành".

Bạn đọc Trần Thanh Hùng dẫn chứng: "Lao động ngoài 40 rất khó tìm được việc khi bị công ty sa thải, do lớn tuổi không đủ sức làm việc. Cá nhân tôi mạo muội đề xuất. Thứ 1. Giảm tuổi nghỉ hưu. Thứ 2. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động ngoài 40 tuổi. 3. Lương hưu phải đảm bảo đủ cho người lao đông khi về già. 4. BHYT nên tăng khoản phí đóng để NLĐ được hưởng 100% viện phí". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Thế Hùng cũng cho rằng nên giảm tuổi nghỉ hưu. "Lao động đến 50 tuổi là các công ty đã tìm cách cho nghỉ rồi. Nếu mất việc làm mà có lương hưu ở độ tuổi này thì quá tốt".

Quy định tuổi nghỉ hưu hay năm đóng BHXH? - Ảnh 1.

Nhân viên Bưu điện TP HCM chi trả lương hưu tại nhà cho người dân ẢNH: VIỆT DŨNG

Bạn đọc Nguyễn Văn Đông đặt câu hỏi: "Sao không khảo sát những người rút BHXH một lần để biết chính xác lý do rút. Đa số những người rút BHXH một lần là người lớn tuổi, vì những người này khi bị cho nghỉ việc không thể xin vào làm ở các xí nghiệp khác khi bảng tuyển dụng ghi chỉ tuyển từ 18 đến 35 tuổi. Nên nghiên cứu giải quyết việc làm cho người lao động lớn tuổi thì tốt hơn".

Một bạn đọc giấu tên viết: "Theo tôi nghĩ, các nhà hoạch định nên tính đến phương án làm thế nào để người lao động từ độ tuổi 40 trở đi không bị mất việc, vì thực tế ở độ tuổi này rất dễ bị chủ các doanh nghiệp tìm mọi cách cho nghỉ. Do không tìm được việc làm mới nên họ mới ưu tiên nhận trợ cấp một lần, dù biết là thiệt thòi về sau. Nhà nước cũng đã khuyến cáo, tuyên truyền cho người lao động nắm được vấn đề này, nhưng họ thực sự không còn lựa chọn khác". Tương tự, bạn đọc Trần Khoa bày tỏ: "Mong muốn của cá nhân tôi là giảm tuổi nghỉ hưu xuống để được còn sống mà hưởng. Có mấy chủ doanh nghiệp nào muốn cho công nhân mình làm đến năm 55 tuổi khi chân tay đã yếu và chậm chạp?".

Bạn đọc Lê Thanh Tùng chia sẻ: "Tôi năm nay 46 tuổi, tham gia BHXH được 19 năm 7 tháng. Tôi sẽ làm đơn nghỉ việc để sau 1 năm rút BHXH một lần vì sức khỏe yếu, không thể làm đến 62 tuổi. Giá như được nghỉ hưu lúc này thì dù có ít cũng được. Theo tôi, không nên quy định tuổi nghỉ hưu mà là quy định năm đóng BHXH để được nghỉ hưu. Ai đóng nhiều hưởng nhiều". Theo bạn đọc Lương Văn Đường, muốn hạn chế người lao động rút bảo hiểm một lần cách hay nhất là cứ để họ tự quyết về mức đóng tiền bảo hiểm, tự nghỉ chế độ theo yêu cầu không ràng buộc về tuổi tác, ai đóng cao hưởng nhiều và ngược lại. "Nhà nước cần hoạch định chính sách mang tính định hướng cho người lao động, không nên dùng biện pháp hành chính" – bạn đọc này góp ý.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, có khoảng 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần. Số người rút BHXH một lần qua các năm 2020 có 860.000 người, năm 2021 có 960.000 người, năm 2022 có 895.000 người.

https://nld.com.vn/cong-doan/quy-dinh-tuoi-nghi-huu-hay-nam-dong-bhxh-20230315090048567.htm

An Chi (THEO BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: