Nhiều lao động trẻ sẵn sàng làm công việc thời vụ để học hỏi thêm kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm. Ảnh: Quang Thành
Có việc là nhận
Tốt nghiệp ngành truyền thông đa phương tiện, Đặng Anh Thư (quê TP Phủ Lý, Hà Nam) không về quê theo định hướng của bố mẹ để tiếp quản cửa hàng điện máy của gia đình mà quyết tâm ở lại Hà Nội theo đuổi đam mê.
Để nâng cao kỹ năng công việc và rèn luyện tay nghề, từ năm thứ 2 đại học, Anh Thư đã xin làm cộng tác viên cho 1 trung tâm chăm sóc sắc đẹp tại quận Cầu Giấy; năm thứ 3 xin làm cộng tác viên cho 1 phòng khám tại quận Hai Bà Trưng. Năm cuối đại học, Anh Thư xin thực tập tại 1 cơ quan báo chí tên tuổi.
“Em vui lắm, so với các bạn cùng lứa đi thực tập, em được đánh giá là “cứng” vì khả năng viết kịch bản, dựng video. Hiện em đang được nhận làm nhân viên đào tạo cho một cơ quan báo chí. Dù thu nhập, thù lao chưa thể đủ sống nhưng em rất trân trọng cơ hội này để được làm đúng công việc mà mình đam mê”, Anh Thư nói.
Theo chia sẻ của Anh Thư, thời gian làm cộng tác viên cho trung tâm thẩm mỹ, phòng khám, bạn không ngừng trau dồi, học hỏi. Cứ có nơi nào nhận là Anh Thư vào làm việc. Ngoài thời gian lên lớp, Anh Thư đến phòng khám, đến trung tâm thẩm mỹ quan sát công việc để có ý tưởng sát với thực tiễn; tranh thủ lúc rảnh phụ việc cho những cơ sở này để có cơ hội trao đổi, trò chuyện với nhiều khách hàng… Cũng vì thế, sản phẩm của Anh Thư sản xuất đều được dùng đăng trên website của các trung tâm này để quảng bá.
Năm 2024, Trần Minh Hùng tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Chưa đủ tự tin với các kỳ thực tập hồi học đại học, Hùng xin vào làm nhân viên của một công ty luật tại phố Giang Văn Minh (phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
Nhiều lao động trẻ sẵn sàng làm công việc thời vụ để học hỏi thêm kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm. Ảnh: Quang Thành
Theo chia sẻ của Hùng, dù có cơ hội xin việc làm, trở thành nhân viên chính thức nhưng bạn và nhiều lao động trẻ là sinh viên mới ra trường vẫn chọn đi làm với chế độ thấp hơn để học hỏi và hoàn thiện thêm kỹ năng, kinh nghiệm.
“Công ty luật nơi em học việc là doanh nghiệp lớn, uy tín, đầu việc nhiều nên chúng em được giao nhiều phần việc, được tổ chức làm việc theo nhóm. Chưa kể, công ty còn có đối tác, khách hàng nước ngoài nên em cũng được trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ. Nói chung, so với những gì học hỏi được, em thấy thù lao được trả không còn phải là vấn đề lớn nhất”, Hùng chia sẻ.
Biết khả năng của bản thân
Câu chuyện của Anh Thư, Hùng rất điển hình cho nhiều lao động trẻ hiện nay, những người sẵn sàng làm nhân viên thời vụ để học việc và trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp trước khi chính thức gia nhập thị trường lao động.
Hùng cho biết, nhiều bạn bè của anh tốt nghiệp các trường đại học khác cũng sẵn sàng lăn lộn làm thời vụ ở nhiều công ty để tích lũy kinh nghiệm. “Chúng em biết rõ khả năng của bản thân nên phải học hỏi thêm. Thậm chí có bạn dành 2 năm, qua 4 công ty để học việc. Các bạn cũng mong vào được doanh nghiệp lớn, các gói dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi được nhiều kỹ năng nhất có thể”, Hùng chia sẻ.
Đặc biệt, theo chia sẻ của Anh Thư, người trẻ hiện rất thích học hỏi công việc liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI: “Cả thế giới nói về AI, chúng em càng không muốn bị lạc hậu bởi sẽ là thế hệ chịu nhiều ảnh hưởng nhất, chịu tác động nhất từ sự thay đổi chóng mặt này”.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi lao động trẻ cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.
Giai đoạn hiện nay, lao động trẻ cần được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng để có thể làm việc trong môi trường 4.0, có năng lực ứng phó với hoàn cảnh, nhất là với những rủi ro phi truyền thống.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-tre-ren-tay-nghe-truoc-khi-vao-thi-truong-lao-dong-1463016.ldo