Tổng quan tình hình ứng dụng AI vào các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Anphabe
Khát nhân lực số
Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2024, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ cả nước là 28,6%. Tính chung năm 2024, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính đạt 28,3%.
Hiện nay cả nước còn gần 38 triệu lao động chưa qua đào tạo, trong khi mục tiêu của Chính phủ thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là tỉ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, đặc biệt trong việc xây dựng các chương trình, chính sách đào tạo nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Một khảo sát của Ngân hàng UOB Việt Nam, năm 2024, các doanh nghiệp tăng ngân sách chuyển đổi số từ 10-25%. Trong đó, lĩnh vực chi tiêu nhiều nhất cho chuyển đổi số chính là thương mại, bán buôn (88%); công nghệ, truyền thông và viễn thông (87%).
Ông Hà Anh Tuấn - CEO Vinalink Media JSC - cho rằng, Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực cấp cao trong lĩnh vực về chip, công nghệ thông tin…; thậm chí là thiếu hụt nhân lực cấp trung và sơ cấp ở các vị trí vận hành máy móc, phần mềm…
“Một trong những nguyên nhân là chương trình đào tạo hiện tại vẫn chưa bắt kịp được với xu hướng phát triển quá nhanh về công nghệ thông tin của thế giới”, ông Tuấn nói.
Còn theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Xã hội số (Bộ KHCN), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số, như vị trí địa lý thuận lợi - nằm gần Trung Quốc, trung tâm công nghiệp của thế giới - giúp dễ dàng tiếp cận công nghệ, máy móc và nguyên liệu. Dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn liên tục đổ vào Việt Nam, biến nước ta thành “ngôi nhà thứ hai” của nhiều doanh nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức lớn về nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu về số lượng và 30% về chất lượng. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), tỉ lệ đáp ứng mới chỉ đạt khoảng 10% so với nhu cầu thị trường.
Khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn vẫn còn lớn. Dù số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ tương đối cao, phần lớn thiếu kỹ năng thực tế. Hệ thống thể chế, pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Dù đã có những chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 57, vẫn cần thêm các cơ chế mạnh mẽ và đồng bộ hơn để phát triển kinh tế số.
Các giải pháp để đào tạo nhân lực kinh tế số
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm đưa ra các giải pháp để đào tạo nhân lực kinh tế số.
Một là, mỗi địa phương cũng như cả nước cần xác định mô hình kinh tế số dựa trên đặc điểm, điều kiện, tình hình của mỗi địa phương, cả nước cho từng thời kỳ nhất định. Hai là, dự báo nhu cầu nhân lực để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của kinh tế số ở mỗi địa phương và cả nước. Ba là, xây dựng đề án/dự án nhân lực để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của kinh tế số ở mỗi địa phương và cả nước. Trong đó, tập trung đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và xác định cụ thể từng mục tiêu, từng hoạt động và tài chính, trách nhiệm của các cơ, quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bốn là, xây dựng và ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích đào tạo, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân sự, nhất là các nhân sự cấp cao... ở từng địa phương và cả nước. Năm là, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực phục vụ cho cả trước mắt và lâu dài với nhiều hình thức đào tạo. Chú trọng chương trình đào tạo số đối với học sinh, sinh viên và thanh niên; đào tạo/học tập thường xuyên hay học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, luôn làm chủ công nghệ và khoa học kỹ thuật. Sáu là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thường xuyên cập nhật kiến thức - công nghệ mới; tạo điều kiện cho giảng viên tham gia cùng các doanh nghiệp, viện nghiên cứu hay các dự án, đề tài…
Bảy là, mỗi địa phương cần có cơ chế phối hợp trong việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng nhân lực số giữa doanh nghiệp, tổ chức với đơn vị đào tạo để tận dụng và phát huy thế mạnh trong đào tạo và sử dụng một cách có hiệu quả. Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực số, nhất là chương trình đào tạo, giảng viên, sinh viên tham gia các khóa học ở trong và ngoài nước; sử dụng hợp lý và hiệu quả các chuyên gia nước ngoài để phục vụ cho công tác đào tạo. Chín là, cần xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, doanh nghiệp, đơn vị trong việc đào tạo.
Cả nước hiện có hơn 240 trường đại học, gần 160 trường đào tạo ngành kỹ thuật. Đào tạo nhân lực số đạt kết quả bước đầu, nhưng chương trình còn chậm cập nhật công nghệ, sinh viên thiếu kỹ năng thực hành do ít cơ hội trải nghiệm thực tế.
Theo đại diện Vụ Kinh tế và Xã hội số, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và doanh nghiệp để dự báo chính xác nhu cầu lao động, từ đó hoạch định chỉ tiêu đào tạo phù hợp; Đưa nội dung số vào chương trình giảng dạy chính khóa, mở rộng cơ hội cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế, tổ chức đào tạo trực tiếp trên nền tảng công nghệ; Tăng cường hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực mới như AI, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn… đồng thời tập trung đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có; Khai thác tối đa các lợi thế như vị trí địa lý, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, dân số trẻ và môi trường chính trị ổn định.
“Chỉ khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của nền kinh tế số, đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia” - ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Xã hội số cho biết.
https://laodong.vn/cong-doan/go-nut-that-dao-tao-nhan-luc-cho-kinh-te-so-1488883.ldo