Công nhân lao động Công ty TNHH Comart Việt Nam (Bắc Giang) được khám sức khỏe định kỳ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tăng lương cơ bản, phụ cấp thâm niên cho người lao động
Công ty TNHH Comart Việt Nam (Bắc Giang) chuyên sản xuất giá đỡ điện thoại, hiện có 200 công nhân lao động. Công ty có 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) thành lập vào năm 2019, nhưng do dịch COVID-19, đến năm 2021 mới đi vào hoạt động.
Sau khi được thành lập, công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty đã tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT đầu tiên vào năm 2022. TƯLĐTT này kéo dài 3 năm. Đầu tháng 4.2025, dù TƯLĐTT chưa hết hạn, nhưng do có những thay đổi lớn, nên CĐCS và lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT mới.
Bản TƯLĐTT này có nhiều điểm mới, có lợi hơn cho người lao động so với luật và so với thời gian trước trong đó tăng mức lương cơ bản thấp nhất của người lao động từ 4,8 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn công ty hoạt động là 4.410.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, công nhân được nghỉ thêm 1 ngày thứ 7 trong tháng (vào tuần thứ 3) bên cạnh các ngày nghỉ hàng tuần vào Chủ nhật.
Công nhân được hưởng tiền thâm niên tăng theo thời gian làm việc: Công nhân làm đủ 6 tháng trở lên được nhận phụ cấp 100.000 đồng/người/tháng; từ 1 năm trở lên: 200.000 đồng/người/tháng; đủ 2 năm: 500.000 đồng/người/tháng; làm việc đủ 3 năm: 1 triệu đồng/người/tháng; làm việc 4 năm: 1,5 triệu đồng/người/tháng; từ 5 năm trở lên là 2 triệu đồng/người/tháng. Đây đều là các mức cao hơn so với trước đây.
“Quy định này góp phần giúp công ty giữ chân người cũ, thu hút người mới vào làm việc; người lao động thêm gắn bó với công ty”, bà Vũ Hồng Nhung - Chủ tịch CĐCS công ty chia sẻ.
Một điều khoản khác trong TƯLĐTT là người lao động thử việc được trả 100% lương như nhân viên chính thức, được tham gia bảo hiểm xã hội.
Bà Vũ Hồng Nhung cho biết thêm, trước khi tổ chức phiên họp thương lượng ký TƯLĐTT, Ban chấp hành công đoàn tổng hợp các ý kiến của công nhân lao động.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Ngày 10.4, ông Hà Minh Vĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cho biết, đến nay, đã có 198/228 CĐCS doanh nghiệp đã thương lượng, ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động (chiếm 86,84%).
Tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, đã có 32 CĐCS ký kết TƯLĐTT, trong đó có 15 bản ký mới và 17 bản sửa đổi, bổ sung, ký lại.
Ông Hà Minh Vĩ cho biết: “Nhìn chung, các bản TƯLĐTT đã ký kết đảm bảo quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động, có lợi hơn cho người lao động...
Từ các TƯLĐTT, nhiều doanh nghiệp đã có sự cạnh tranh, áp dụng chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài và lao động có tay nghề cao, tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian qua, TƯLĐTT đã khuyến khích phát huy dân chủ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang”.
Bà Diêm Bích Liên - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang) đánh giá, đại đa số các TƯLĐTT được ký kết trong tỉnh đều có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, trong đó có các điều khoản về phụ cấp ăn ca, xăng xe, chuyên cần, thâm niên…
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục yêu cầu CĐCS làm tốt công tác thương lượng tập thể. LĐLĐ tỉnh lưu ý các TƯLĐTT không cần dài, nhưng phải đảm bảo có các điều khoản có lợi hơn so với người lao động so với luật, tránh sao chép luật.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-bac-giang-gan-bo-voi-doanh-nghiep-nho-thoa-uoc-lao-dong-1490130.ldo