Nhiều công chức thôi việc sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động. Ảnh: Bảo Hân
Không sợ mất việc
Không chỉ đến khi câu chuyện sắp xếp lại bộ máy “nóng” trên truyền thông và dư luận xã hội, bà Bằng mới nghĩ đến chuyện thôi việc đang làm ở xã.
Trước khi làm cán bộ xã, bà Bằng có vài năm làm kinh doanh tự do. Năm 2007, bà bắt đầu công việc tại UBND xã trong vị trí cán bộ phụ nữ. Kinh qua một số vị trí khác, gần 10 năm nay, bà Bằng làm ở bộ phận 1 cửa.
“Lương của tôi được gần 7,8 triệu đồng/tháng, thêm 700.000 đồng/tháng tiền hỗ trợ, tổng thu nhập được khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Thú thực là do thu nhập của chồng tôi khá nên mới đủ sức nuôi 2 con ăn học, lương tôi chưa đủ chi tiêu ăn uống cho gia đình 4 người”, bà Bằng nói.
Từ năm 2018 đến nay, bà Bằng cùng với một nhóm phụ nữ trong xã đăng ký thuê lại 1 mặt bằng gần nhà, mở lớp dạy yoga, khiêu vũ thể thao. Bà Bằng không ngờ, nghề tay trái giúp bà có thu nhập ổn định tăng đều qua các năm.
Sau Tết Nguyên đán, bà Bằng quyết định báo cáo lãnh đạo về việc xin nghỉ và hiện đang chờ được xem xét.
“Nhiều người lo ngại công chức, viên chức tinh giản biên chế ra đời khó tìm việc, khó đảm bảo cuộc sống, tôi lại nghĩ tất cả do cách mình ứng phó và biết thế mạnh của mình ra sao để phát huy mà thôi. Tôi nung nấu ý định nghỉ việc từ khá lâu và bây giờ là thời điểm chín muồi để đưa ra quyết định”, bà Bằng chia sẻ.
Nguồn lực bổ sung cho thị trường lao động
Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, liên quan đến nhóm công chức thôi việc theo sắp xếp bộ máy, Trung tâm sẵn sàng tiếp nhận, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm.
Theo ông Thành, đây là lực lượng lao động có trình độ, kinh nghiệm. Đây cũng là nguồn nhân lực bổ sung vào thị trường lao động trong thời gian tới.
“Để nhóm lao động này được cung cấp thêm những kỹ năng nhằm phù hợp với yêu cầu, môi trường công việc ngoài Nhà nước cần có khảo sát cụ thể, đánh giá từ nhu cầu thực tế của người lao động trong từng vị trí việc làm mà họ quan tâm. Đồng thời phải có khảo sát cả nhu cầu phía doanh nghiệp đối với nhóm nhân sự này”, ông Thành cho hay.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ nhóm công chức bị tinh giản sớm gia nhập thị trường lao động, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) Lê Quang Trung cho rằng cần tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm trong việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn và việc làm sau đào tạo ở từng địa phương, vùng và cả nước để hỗ trợ cho người lao động nói chung và người thôi làm việc ở các đơn vị Nhà nước nói riêng.
Mặt khác, ông Trung cũng đề nghị nâng cao vai trò của việc tăng cường năng lực cho các trung tâm dịch vụ việc làm và đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, đặc biệt là dự báo cung - cầu lao động ngắn và trung hạn...
https://laodong.vn/cong-doan/cong-chuc-thoi-viec-no-luc-gia-nhap-thi-truong-lao-dong-1467450.ldo