KHƠI DẬY KHÁT VỌNG, CỦNG CỐ NIỀM TIN PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH HẠNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã và đang bước vào những năm quan trọng - được coi là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Khát vọng và Niềm tin phát triển đất nước thịnh vượng được khơi dậy, truyền cảm hứng như một lời hiệu triệu với non sông, đất nước, với trăm triệu người dân Việt Nam mà ở đó mục tiêu rõ nhất là đất nước phát triển, phồn vinh, người dân được hạnh phúc.
-
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Đại hội lần thứ XIII có hai điểm nhấn phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới đó là: khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một điểm rất mới và là một điểm nhấn quan trọng.
Muốn đi tới đích đặt ra trước tiên phải có khát vọng. Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách,… là động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát vọng, mà cụ thể ở thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Trong lịch sử thế giới có nhiều quốc gia phát triển hùng mạnh và sự phát triển của mỗi quốc gia ấy đều bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường, một nước phát triển như: Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản,…
Một điểm mới là trong Đại hội Đảng lần này, khi đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta tính đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045, đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được hạnh phúc.
Trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn có một khát vọng được sống độc lập, khát vọng có chủ quyền, xuất phát từ thực tế chúng ta luôn phải đương đầu với các cuộc chiến bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trải qua một thời kỳ tương đối dài, tính từ năm 1945 đến nay, suốt 75 năm, tức là ba phần tư thế kỷ, chúng ta vẫn không nguôi khát vọng là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng, khát vọng hòa bình, khát vọng day dứt vượt ra khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu, khát vọng cháy bỏng muốn phát triển đất nước phồn vinh hơn với một vị thế cao hơn để xứng với truyền thống kiên cường của dân tộc.
Có thể thấy, ở mọi thời kỳ lịch sử, khát vọng ngàn đời của dân tộc ta là độc lập, tự do. Trong lịch sử hàng ngàn năm, chúng ta đã bị 3 thời kỳ Bắc thuộc, trong đó chỉ xét riêng thời kỳ Bắc thuộc lần 3 đã kéo dài 1000 năm (111 Tr.CN - 938). Trong suốt thời kỳ quân chủ độc lập (938 - 1407), chúng ta cũng lần lượt đánh các bại kẻ thù đến từ phương Bắc để giữ vững nền độc lập ấy; rồi lại chịu sự đô hộ trở lại của nhà Minh đến từ phương Bắc lần thứ 4 (1407 - 1427); rồi thời kỳ quân chủ chia cắt (1527 - 1802) kéo dài gần 300 năm. Kế đó, chúng ta chỉ có thời kỳ quân chủ thống nhất, mở rộng bờ cõi (1802 - 1884). Nhưng từ 1858 đến 1945, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược. Từ 1945 - 1975, chúng ta phải kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và xâm lược Mỹ (1954 -1975). Khát vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam thời kỳ này là được sống trong tự do, hòa bình và thống nhất đất nước nhưng cũng phải mất 30 năm chúng ta mới thực hiện được khát vọng này.
Hơn bảy mươi năm (1945 - 2023) có chính quyền độc lập, nhưng chúng ta phải mất 30 năm trong số đó, mới thống nhất được đất nước, mới được sống trong hòa bình thực sự. Thế nhưng ngay lập tức, đất nước lại gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Bị bao vây cấm vận, thù trong giặc ngoài khiến cho kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, thiếu thốn, li tán, tha hương. Khát vọng trong thời kỳ này một cuộc sống ấm no, xã hội yên bình.
Năm 1986 đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, từ một nước khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn chúng ta đã thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam thành một nước năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Đây là thành quả to lớn của một quốc gia từ ở trình độ kém phát triển vì ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và bị bao vây cấm vận. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Chúng ta ghi nhớ lời khích lệ, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi cho Thầy và trò ngay ngày độc lập đầu tiên từ năm 1945 là dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Đến thời điểm này, rất tự hào khẳng định rằng đất nước chúng ta đang có được những điều kiện để thực hiện mục tiêu đó. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045, chúng ta phải là “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, nghĩa là bình quân đầu người đạt 15 nghìn USD trở lên. Như vây, khát vọng và niềm tin của chúng ta hiện nay là xây dựng, phát triển quốc gia thịnh vượng, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sánh vai ngang hàng với các cường quốc trên thế giới.
Có thể thấy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà còn tầm nhìn tới 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao) và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và chúng ta gọi đây là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, là khát vọng đột phá, bứt phá vươn lên và cất cánh của quốc gia - dân tộc Việt Nam.
2. Củng cố niềm tin quốc gia
C. Mác đã từng khẳng định: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất. Nhưng một khi lý luận thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại”[1]. Và với tư cách là trạng thái tinh thần, thuộc về tinh thần, niềm tin cũng sẽ biến thành sức mạnh, động lực to lớn nếu nó được thâm nhập vào quần chúng, nó trở thành niềm tin của nhân dân, của cả dân tộc.
Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng luôn cho thấy, Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực sáng tạo ra lịch sử, nếu không thể đáp ứng, không làm thỏa mãn yêu cầu phát triển của đất nước, nâng cao thân phận, đời sống của nhân dân, thì tất yếu cách mạng sẽ đánh mất cả mục tiêu, động lực và niềm tin. Theo đó, niềm tin chúng ta đang bàn ở đây là niềm tin nhằm mang đến sức mạnh để phát triển đất nước. Niềm tin này được xem xét từ các góc độ sau:
Một là, niềm tin của người lãnh đạo, của Đảng vào “sức mạnh mạnh vĩ đại của toàn dân”, vào nguồn lực (vật chất, tinh thần), tiềm lực của quốc gia - dân tộc. Cơ sở vững chắc bởi để tạo nên niềm tin này bao gồm các yếu tố: truyền thống dân tộc - chân lý thời đại - sức mạnh nhân dân, đặc biệt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Nguyễn Trãi từng cho rằng, làm lật thuyền mới biết sức dân như nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2]. Với nền tảng vững chắc của niềm tin như vậy, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thử thách cam go đến đâu, Hồ Chí Minh vẫn luôn tin tưởng nhân dân là người chiến thắng, cách mạng cuối cùng sẽ thắng lợi và thành công vì có sức mạnh vô địch của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chúng ta nhớ rằng, ít ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã đề nghị tiến hành tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Nhiều người lúc bấy giờ lo lắng bởi dân ta tốt, nhưng chưa quen, chưa đủ nhận thức để có thể làm chủ lá phiếu bầu của mình trong một thể chế dân chủ vừa mới được hình thành. Thêm nữa là thù trong, giặc ngoài đang gia tăng sức ép mọi mặt đối với nhà nước công nông non trẻ. Có thể nói trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin vững chắc vào sức mạnh và sự sáng suốt của nhân dân. Nhiều tổ chức đã đề nghị Người không cần ứng cử, là đại biểu suốt đời của cách mạng, nhưng Người đã ứng cử tại Hà Nội cùng hơn 70 ứng viên khác để chọn 6 đại biểu. Hồ Chí Minh tin vào nhân dân và niềm tin ấy hoàn toàn đúng đắn. Người đã trúng cử với số phiếu cao nhất. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội, Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sau này, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới, trong lời kêu gọi, chúng ta vẫn thấy niềm tin Hồ Chí Minh - niềm tin của cả dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[3].
Đến trước lúc đi xa vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Người vẫn trọn vẹn, đinh ninh một niềm tin: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[4]. Niềm tin này, 6 năm sau, ngày 30/4/1975 đã thành sự thật, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về mội mối.
Thấm nhuần và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN” được xác định là bài học được xếp thứ 2 trong 5 bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Hai là, niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, vào tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín của quốc gia - dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ khi thành lập Đảng Cộng sản năm 1930 cho đến nay, đã hơn 93 năm (1930 - 2023), sắp tới là 100 năm thành lập, đất nước ta đã gặt hái những chiến công vô cùng vĩ đại. Từ thân phận một đất nước nô lệ, lầm than, Đảng đã lãnh đạo cách mạng đem lại cho dân tộc một đất nước tự do, độc lập, có vị thế đáng tự hào trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, trên con đường đi lên cùng dân tộc và đất nước, Đảng ta cũng phạm phải một số thiếu sót, thậm chí một số sai lầm. Đó là sự giáo điều trong vận dụng lý luận đấu tranh giai cấp ở đầu những năm 30 thế kỷ XX; là giáo điều trong vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài trong cải cách ruộng đất giữa những năm 50 thế kỷ XX; là việc muốn đẩy nhanh quá trình xây dựng CNXH tập trung vào việc nhanh chóng tiến hành cách mạng quan hệ sản xuất, thực hiện hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể, không tính tới trình độ của lực lượng sản xuất và duy trì quá lâu tình hình phân phối có tính chất cào bằng của thời chiến vào thời bình.
Song với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra để rồi kiên quyết sửa chữa và điều quan trọng là Đảng luôn luôn nhìn thấy niềm tin của người dân đối với Đảng chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Để mất lòng tin của dân có thể mất Đảng. Làm sao giữ được lòng tin, bên cạnh việc đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo lập nên những chiến công huy hoàng thì Đảng luôn thể hiện trước dân là một tổ chức chính trị vì dân. Và như vậy thì những sai phạm của những cá nhân trong Đảng, thậm chí những sai lầm về mặt chính sách đã được căn chỉnh, sửa chữa, mỗi lần căn chỉnh, sửa chữa nghiêm túc thì uy tín của Đảng càng lên, niềm tin của nhân dân đối với Đảng càng ngày càng trọn vẹn. Đặc biệt, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986, sau 35 năm, niềm tin của người dân với Đảng lại tăng cao và có thể khẳng định, thành quả lớn nhất của nhiệm kỳ vừa qua chính là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.
Từ những phân tích trên đây có thể khẳng định rằng, để “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” thì trước hết là phải củng cố được niềm tin của nhân dân, phải làm sao cho dân tin vào Đảng, tin vào Nhà nước và chế độ. Rõ ràng từ thực tế một số cán bộ thậm chí là cán bộ cấp cao của nhiệm kỳ XII bị xử lý kỷ luật dẫn đến tổn thất về uy tín của Đảng, có người dân thậm chí có lúc bi quan Đảng có còn đại diện cho họ nữa hay không, rồi hiện tượng một số cán bộ đảng viên làm quan để tham nhũng,… nhưng sau 5 năm của nhiệm kỳ, chúng ta thấy một bầu không khí khác hẳn. Đây chính là lợi thế khi bước vào Đại hội XIII, trong đó tăng cường chỉnh đốn xây dựng Đảng là một nội dung then chốt; xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.
Liên hệ với Hàn Quốc, chúng ta thấy, năm 1961, ít người dám tin khi Park Chung Hee nói là sẽ biến Hàn Quốc thành cường quốc kinh tế trong 20 năm. Nhưng với phong cách lãnh đạo cương quyết, thực tiễn và hết lòng, ông đã đem lại niềm tin - Niềm tin mà Park Chung Hee xây dựng cho nhân dân và dân tộc Hàn Quốc xuất phát từ việc, ông đã truyền cho người dân ý thức về sự cấp bách phải làm để giải phóng thân phận của một quốc gia nghèo đói và chậm tiến, lên hàng những quốc gia phát triển giàu mạnh. Và trên thực tế, niềm tin đó đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển, hóa rồng của Hàn Quốc nửa sau thế kỷ XX. Hay như sự nghiệp cải cách mở cửa của Trung Quốc hiện đại và con đường xây dựng CHXN đặc sắc Trung quốc ngày nay, không thể tách rời với niềm tin, quyết tâm và những công hiến to của Đặng Tiểu Bình khi ông nhấn mạnh rằng, “chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là chia sẻ sự nghèo khó”. CNXH trước hết phải giàu có. Không giàu có không phải là CNXH.
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng viết: “Nếu Singapore là một đứa trẻ, tôi tự hào vì đã chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ ấy”[5]. Đứa trẻ Singapore của những năm 50 thế kỷ XX có bảo đảm sinh tồn? có thể nào trưởng thành và lớn mạnh như ngày không? nếu thiếu quyết tâm, sự kiên định, kiên trì xuất phát từ một niềm tin nơi ông: “Ngay lúc này, tôi, Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore, nhân danh nhân dân và chính quyền Singapore, tuyên bố rằng kể từ hôm nay, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore sẽ vĩnh viễn là một quốc gia độc lập, dân chủ với đầy đủ chủ quyền, lập nền trên những nguyên lý của quyền tự do và công bằng hầu mưu tìm phúc lợi và hạnh phúc cho nhân dân đang sinh sống trong một xã hội tối hảo, công bằng và bình đẳng”[6].
Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi chế độ chính trị, mỗi quốc gia, dân tộc xuất phát từ những điều kiện lịch sử cụ thể, từ thực tiễn đất nước, sẽ định hình và đặt ra những yêu cầu đặc thù, những mục tiêu phát triển khác nhau. Song, việc khơi dậy khát vọng, củng cố niền tin quốc gia, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng nhằm đem đến tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đã, đang và sẽ đem đến những sức mạnh vô cùng to lớn, ngày càng trở thành giá trị phổ quát: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”[7].
Ba là, niềm tin của thế giới đối với Việt Nam (vị thế, uy tín).
Niềm tin của thế giới đối với Việt Nam thể hiện qua vị thế, uy tín quốc tế. Mà vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định, thể hiện rõ nhất là chúng ta được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối. Chủ tịch luân phiên ASEAN và một loạt các vị trí trên các diễn đàn đa phương. Có thể thấy, từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tiếng nói của Việt Nam không còn là tiếng nói nhỏ bé theo cách là xóa ẩn số nữa mà đã tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề mang tầm vóc thế giới.
Kế thừa nội dung định hướng của Đại hội XII và bổ sung những nhân tố động lực mới, Đại hội XIII của Đảng hoàn thiện quan điểm về động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững”[8].
Như vậy, chúng ta thấy rõ, đồng thời với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - là nguồn năng lượng nội sinh to lớn và động lực trung tâm của quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai. Về nhân tố chính trị, đã bổ sung quan điểm bồi dưỡng sức dân, củng cố niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào chế độ, vào tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín của quốc gia - dân tộc. Đây là động lực và nguồn lực quan trọng phát triển đất nước[9].
3. Khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc giai đoạn 2021 - 2030
Khát vọng, niềm tin là những yếu tố tinh thần quan trọng, có vai trò tạo nên sức mạnh to lớn cho mỗi quốc gia - dân tộc. Nhưng nội dung của khát vọng, niềm tin (khát vọng, niềm tin về điều gì? về cái gì?...), trên cơ sở nguồn lực nào để đặt ra? Định hướng, mục tiêu và phương pháp, cách thức nào để đạt được?...
Đến nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn vững chắc, với “tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản”, có thể khẳng định rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[10]. Thật vậy, những thành tựu của đất nước những năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của dân tộc là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Trong năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% - mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020[11] và cũng ở mức thấp nhất trong 35 năm Đổi mới (1986 - 2020), nhưng vẫn được xem là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Trong bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh tại châu Á do Viện Lowy (Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập của Ô-xtray-li-a, thuộc danh sách 30 trung tâm hàng đầu thế giới) công bố ngày 19/1/2020, Việt Nam tăng một bậc từ 13 lên 12. Trong đó, về ảnh hưởng ngoại giao, chúng ta tăng 3 bậc, vượt lên đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Về kinh tế, Việt Nam vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN với GDP hơn 340 tỷ USD. Hãng định giá thương mại Brand Finance của Anh nhận định, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, năm 2020, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới[12]. Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. PWC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (có trụ sở tại Anh), dự báo Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau năm 2030.
Như vậy, “từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới”[13].
Xuất phát thực tiễn đất nước - cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước hiện có, “với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ”[14] cùng động lực quan trọng là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thành mục tiêu tổng quát (nước đang phát triển, có công nhiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao) cũng như các chỉ tiêu (về kinh tế; về xã hội; về môi trường) phát triển đất nước, thông qua thực hiện 3 chiến lược đột phá, trong đó “tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam…”[15] được xác định là nội dung của đột phá thứ hai trong 3 chiến lược đột phá 10 năm phát triển 2021 - 2020.
Ths Phan Tăng Tuấn - Giảng viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I
[1] C. Mác- Ph. ĂngGhen (1995): Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, tập 1, tr.580.
[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr.38.
[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.131.
[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.131.
[5] Lý Quang Diệu: “Hồi ký Lý Quang Diệu”, tập 2: “Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất”, Nxb Thế Giới, H.2020, tr.6.
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Quang_Di%E1%BB%87u
[7] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.131.
[8] ĐCSVN (2021): “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb CTQG Sự thật, HN, tập I, tr.110.
[9] ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG Sự thật, HN, tr.25.
[10] ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG Sự thật, HN, tr.34.
[11] Tốc độ tăng GDP các năm từ năm 2011 đến năm 2020 lần lượt là: 6,24%; 5,25%; 5,42%; 5,98%; 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08%; 7,02%; 2,91%
[12] Bùi Thanh Sơn: “Công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và những định hướng đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới”, Tạp chí Cộng sản số 959 (2/2021) tr 60-61.
[13] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chung sức đồng lòng vì một Việt Nam cường thịnh”, dẫn theo: https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong-Chung-suc-dong-long-vi-mot-Viet-Nam-cuong-thinh-i549573/
[14] ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQG Sự thật, HN, tr.35.
[15] ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQG Sự thật, HN, tr.35.