Lợi ích đoàn viên và Thiết chế công đoàn
Cập nhật lúc 09:12 10/05/2019 (GMT+7)
Toạ đàm “Đề xuất các giải pháp nâng cao phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên và người lao động”

Chiều ngày 10/5/2019, tại Hà Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đề xuất các giải pháp nâng cao phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên và người lao động” (ĐV&NLĐ) với sự tham dự của hơn 30 đại biểu đến từ một số LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành; công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở; doanh nghiệp đối tác của TLĐ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu chủ trì tọa đàm.

Trong những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình lớn, triển khai ngày càng đồng bộ ở các cấp công đoàn để chăm lo lợi ích cho đoàn viên, NLĐ. Nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn KCN… đã có những chuyển biến quan trọng trong việc chăm lo cho NLĐ như: hỗ trợ tìm việc làm cho công nhân khi bị mất việc; tổ chức đám cưới tập thể cho công nhân; tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho gia đình CNVCLĐ; tặng  nhà “Mái ấm Công đoàn”… Đây là sự hỗ trợ hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế, làm cho số lượng đoàn viên được tổ chức Công đoàn chăm lo ngày càng nhiều hơn.

Bắt đầu từ năm 2016, Chương trình “Tết Sum vầy” được Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo trở thành hoạt động thường niên và có bước phát triển ngày càng sâu rộng, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội chung tay chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ. Từ nguồn kinh phí công đoàn và vận động doanh nghiệp, xã hội ủng hộ, công đoàn đã tặng quà, hỗ trợ vé tàu, xe đưa đón hơn 8 triệu lượt đoàn viên, NLĐ, với tổng số tiền hơn 8.500 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc ổn định lực lượng lao động sau Tết Nguyên đán.

Thực hiện Nghị quyết “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, từ năm 2016 đến nay, đã có trên 2.280 CĐCS đối thoại, thương lượng thành công, nâng giá trị bữa ăn ca của hơn 587.000 NLĐ có mức từ 15.000 đồng/suất trở lên. Giám sát bữa ăn ca của NLĐ đã khẳng định nỗ lực của các cấp công đoàn trong thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, NLĐ, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc của NLĐ.

Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động”, với điểm khởi đầu năm 2017 - năm có chủ đề “Vì lợi ích đoàn viên”, đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn. Đó là, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn, tạo sự khác biệt rõ nét so với NLĐ chưa là đoàn viên công đoàn. Đây cũng là điểm quan trọng trong tập hợp, thu hút, phát triển đoàn viên. Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức đàm phán, ký kết các thỏa thuận với 1.157 đối tác là các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của gần 2 triệu lượt đoàn viên với số tiền 758 tỷ đồng.

Đặc biệt, Đề ánĐầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các cấp công đoàn triển khai từ tháng 5 năm 2017 đã mở ra những điều kiện mới để Công đoàn trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, cho ĐV&CNLĐ. 

Song song với các chương trình chăm lo cụ thể, để đoàn viên và NLĐ có “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật để bảo vệ NLĐ từ xa đã được tổ chức Công đoàn Việt Nam chú trọng thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2018, các cấp công đoàn đã có 43.668 văn bản tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, do Nhà nước quy định và chính quyền địa phương ban hành liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ. Đặc biệt có những chính sách giúp đông đảo NLĐ được hưởng lợi như: nâng mức tiền lương tối thiểu, điều chỉnh chính sách lương cho lao động nữ nghỉ hưu, giảm giá bán điện đối với người lao động tại các khu nhà trọ, giảm giá học phí cho con công nhân học trái tuyến ở các khu công nghiệp… Ước tính hằng năm, gần 2 triệu đoàn viên, CNVCLĐ được tăng quyền lợi từ công tác xây dựng chính sách của tổ chức công đoàn.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng trao đổi, đánh giá thực trạng, chỉ ra những nguyên nhân của các hạn chế; những khó khăn trong công tác triển khai thực hiện; rút ra bài học kinh nghiệm về: Chăm lo phúc lợi và lợi ích vật chất, tinh thần, quyền lợi chính trị cho đoàn viên công; Huy động nguồn lực xã hội chăm lo phúc lợi và lợi ích cho ĐV&NLĐ; Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của tổ chức công đoàn chăm lo phúc lợi và lợi ích cho ĐV&NLĐ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chăm lo phúc lợi và lợi ích cho ĐV&NLĐ tại các cấp công đoàn...

Tọa đàm cũng nhằm đưa ra các giải pháp tạo bước chuyển mới trong việc chỉ đạo, lựa chọn, ký kết thỏa thuận hợp tác mới có đủ điều kiện, hàng hóa, dịch vụ thiết thực giúp cho đông đảo công nhân, lao động được thụ hưởng, đồng thời thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp phát triển.

Đặng Thị Lợi

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: