*
Lan, 34 tuổi, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) từng có những năm chạy đôn chạy đáo mỗi dịp sát Tết. Cô là con dâu trưởng nên việc quà cáp cho hai bên nội ngoại từng là nỗi “ám ảnh” đối với Lan. “Những ngày cận Tết, công ty em còn thường xuyên tăng ca để bù vào những ngày nghỉ Tết cho kịp đơn hàng với đối tác. Thế nên, chẳng còn thời gian mà mua sắm trong khi trách nhiệm làm con làm dâu thì vẫn phải hoàn thành. Nhưng năm nay khác rồi, em đã tìm cách “đi chợ Tết” mà không cần phải tất tả ngược xuôi” - Lan nói.
Cái cách “đi chợ Tết” mà Lan mô tả, thực ra là câu chuyện "Chợ Tết Công đoàn online" - chương trình do Tổng Liên đoàn tổ chức với sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Đoàn viên Công đoàn, người lao động thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam đều sẽ được tham gia mua sắm trên chotet.congdoan.vn. Đặc biệt, sẽ có 200 đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động công đoàn; đoàn viên công đoàn còn khó khăn, thu nhập thấp được nhận mức hỗ trợ 500.000 đồng thông qua hình thức phiếu mua hàng (voucher) của chương trình.
Theo hướng dẫn của Lan, tôi thử vào trang chotet.congdoan.vn thì thật ngạc nhiên, bởi đây không đơn giản là “chợ” mà là cả một siêu thị có đầy đủ set quà Tết, thời gian, gia dụng, sản phẩm làm đẹp thậm chí cả sản phẩm nông sản. Tổng cộng có gần 2000 mặt hàng cho người lao động lựa chọn. Điều đặc biệt là các mặt hàng ở đây đều được giảm giá rất sâu, có mặt hàng giảm giá đến 70%. Cách thức mua cũng rất đơn giản, chỉ cần 3 thao tác: Truy cập chotet.congdoan.vn, chọn sản phẩm cần mua, nhập số điện thoại và bấm đặt hàng.
Tôi nghĩ rằng, ý tưởng về "Chợ Tết Công đoàn" online thực sự thiết thực với người lao động, nhất là người lao động xa quê như Lan, vừa để có được công việc, vừa lo sắm Tết và quà Tết cho gia đình đảm bảo niềm vui cho một Tết Sum vầy.
Rồi ngay cả chuyện vận chuyển, thời buổi công nghệ 4.0 cũng giúp người ta không phải ngược xuôi nội ngoại đưa quà Tết. Đã có hệ thống giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh. Chỉ cần thông qua một ứng dụng, quà Tết sẽ đến tận nơi cần đến.
Nhưng như thế, liệu Tết có nhạt đi? Tôi đọc ở đâu đó rằng, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam. Tết luôn mang trong mình những giá trị vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi những khoảnh khắc đoàn viên, sum họp và gắn kết. Tết cổ truyền đã trở thành một tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt. Thế nhưng trong những năm gần đây, ngày Tết đang thay đổi chính vì sự xuất hiện của công nghệ.
Có thể nói chúng ta đã và đang sống trong thập niên mới của công nghệ, của những thiết bị thông minh, của trí tuệ nhân tạo cùng những sáng tạo, đổi mới không giới hạn. Kể từ khi cuộc cải cách công nghệ số được diễn ra, cuộc sống của con người đã thay đổi rất nhiều. Thể hiện rõ nhất, là nếu Tết xưa, những phiên chợ họp vào mỗi độ cuối năm sẽ đem đến cho chúng ta một không khí Tết thật rộn ràng và rõ nét thì giờ tất cả mọi thứ đã có sẵn trên các trang mua hàng trực tuyến.
Chúng ta sẽ chẳng còn phải vất vả, lặn lội đến tận nơi tìm kiếm mà chỉ cần ở nhà và thao tác đặt mua qua một cú click chuột đơn giản. Nếu trước đây, vì đường xa cách trở, người ta phải gửi thiệp chúc Tết mua ở ngoài tiệm tạp hóa thì giờ đây, với công nghệ, và đặc biệt là sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI) người ta có thể tự thiết kế thiệp chúc Tết của riêng mình với dấu ấn cá nhân đậm nét. Nếu khi xưa, trước những ngày Tết, mọi người cẩn thận chuẩn bị những phong bao đỏ rực để mừng tuổi người già, lì xì trẻ nhỏ lấy lộc, lấy may thì giờ đây khi đã xuất hiện nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến...
Tất nhiên vẫn có người nhớ Tết xưa nhưng với thời của khoa học và công nghệ, đời sống con người phải chuyển biến theo để thích ứng, để phù hợp.
**
Khi còn làm việc ở Nghệ An, tôi quen Thanh - một chàng trai Hà Nội chính gốc nhưng theo tiếng gọi của tình yêu để vào Vinh lập nghiệp. Thanh là con một, nhà ở ngoại thành, gia đình anh có một quy định là ngày Tết là phải sum họp. Năm nay, tôi nhắn tin hỏi Thanh thì được anh trả lời: “Năm nay vợ con em sẽ ăn Tết tại Vinh, không về nữa, ông bà nội cũng vui vẻ đồng ý rồi”. Thanh lý giải: “Thế hệ bố mẹ em thì cứ Tết là phải về nhà, coi đó là những ngày sum họp sau bao cả năm xa cách. Thế nhưng bây giờ thì với công nghệ, đâu còn xa cách nữa, ngày nào bố mẹ chẳng nói chuyện với con, ông bà chẳng nói chuyện với cháu thông qua video call. Giao thừa năm nay, em cũng sẽ “livestream” cho cả nhà cùng nhìn nhau, cùng đón thời khắc chuyển giao, thế cũng vui anh à”.
Thì ra thế, Tết Sum vầy giờ đây không chỉ đơn thuần là việc phải lặn lội từ phương xa, có khi cả ngàn cây số để về nhà. Công nghệ phát triển, với nhiều hình thức Zalo, Messenger, Livestream, Viber..., dù ở tận phương trời nào cũng có thể kết nối. Mọi người có thể nhìn thấy nhau, hòa vào không khí chuẩn bị đón Tết, có khi thưởng thức “từ xa” hương vị Tết. Điều này đã giúp rút ngắn khoảng cách không gian và khỏa lấp nỗi nhớ mong.
Thế nhưng điều này không có nghĩa là nhu cầu gặp mặt trong những ngày Tết đến, Xuân về giảm sút. Tổ chức Công đoàn, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đồng hành với người lao động, đặc biệt là người lao động khó khăn với những chuyến xe 0 đồng, những chuyến tàu, chuyến bay miễn phí. Đấy là trách nhiệm của tổ chức trong việc đưa người lao động về quê và đón họ trở lại nơi làm việc sau Tết.
Suy cho cùng, sự ra đời của các ứng dụng công nghệ đã giúp cho cuộc sống con người trở nên tiện lợi hơn. Khoảng cách địa lý được rút ngắn, sự giao tiếp xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những nhu cầu ngày một nhiều của con người dần được công nghệ hỗ trợ. Chúng ta rất khó để đứng ngoài cuộc và không thể ngăn bánh xe công nghệ ngừng quay. Quan trọng là thái độ, cách thức mỗi người tiếp nhận và ứng xử như thế nào sẽ quyết định đến giá trị sống của chúng ta.
Công nghệ 4.0 có thể giúp chúng ta dễ dàng mua và có được nhiều thứ. Song những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương, nét văn hóa, trải nghiệm cá nhân, không phải bao giờ cũng có thể mua bán hoặc thay thế bởi công nghệ. Đó là nét văn hóa bản địa cần được bảo tồn trước sự xâm lấn của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giải lãnh thổ hóa. Không ai khác, mỗi người trong chúng ta cần phải xác định đâu là những giá trị đích thực có thể nuôi dưỡng tâm hồn, giữ gìn truyền thống dân tộc. Công nghệ không làm mất vị Tết, chỉ thay đổi tâm thức và hình thức đón Tết mà thôi...
Cùng nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội trong đó có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp, người lao động khắp nơi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới, một mùa Xuân vừa ấm áp nghĩa tình nhưng cũng là mùa Xuân mà công nghệ đang cho thấy những giá trị để tất cả cảm thấy gần nhau hơn, với một Tết Sum vầy trọn vẹn.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tet-sum-vay-thoi-cong-nghe-so-1451286.ldo