Từ năm 2017 đến nay, Công ty CP Vissai Ninh Bình đang nợ trên 9,4 tỉ đồng tiền kinh phí công đoàn. Ảnh: Nguyễn Trường
Tại Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình hiện đang quản lý 49 CĐCS tại 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay vẫn nhiều doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn từ nhiều năm nay nhưng không chấp hành việc đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định.
Điển hình như, Công ty CP Vissai Ninh Bình (thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu), với trên 1.000 đoàn viên, CNLĐ. Công ty đã thành lập tổ chức công đoàn từ năm 2007, tuy nhiên, kể từ khi thành lập CĐCS đến nay, Công ty này không thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn theo quy định.
Theo báo cáo của Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, Công ty CP Vissai Ninh Bình đang nợ trên 9,4 tỉ đồng tiền kinh phí công đoàn.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần cơ khí Moon Group (thuộc Khu công nghiệp Khánh Phú), kể từ khi CĐCS Công ty được thành lập (năm 2022) với 360 đoàn viên, người lao động. Hiện, Công ty này đang nợ hơn 1 tỉ đồng tiền kinh phí công đoàn.
Ngoài ra, các công ty khác như, Công ty CP nhôm Việt Pháp Shal (thuộc Khu công nghiệp Phúc Sơn), Công ty CP Phúc Lộc (thuộc Khu công nghiệp Khánh Phú) cũng đang nợ tiền kinh phí công đoàn và kéo dài trong nhiều năm.
Ông Đinh Thế Hùng - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, trong những năm qua, mức đóng kinh phí công đoàn 2% của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho tổ chức công đoàn được phân chia theo tỉ lệ 75% để lại CĐCS; 25% phân phối cho 3 cấp công đoàn gồm: cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Đây là nguồn lực quan trọng để các cấp công đoàn chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị bệnh hiểm nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương.
"Đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn với số tiền lớn và kéo dài trong nhiều năm, chúng tôi đã gửi các văn bản thông báo đến doanh nghiệp. Đồng thời, trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để tuyên truyền và yêu cầu chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng kinh phí công đoàn theo quy định. Có những doanh nghiệp sau khi được tuyên truyền giải thích thì đã chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành" - ông Hùng cho hay.
Cùng theo ông Hùng, đối với tổ chức công đoàn thì nguồn kinh phí 2% là rất quan trọng để thực hiện tốt các chức năng của tổ chức, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động giúp họ yên tâm công tác và sản xuất, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
"Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp cố tình không đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật hiện hành đã gây khó khăn cho tổ chức công đoàn trong việc tổ chức các hoạt động và chăm lo cho NLĐ tại cơ sở" - ông Hùng chia sẻ.
https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-doanh-nghiep-o-ninh-binh-khong-dong-kinh-phi-cong-doan-1464826.ldo