Không biết nói gì hơn là cảm ơn Công đoàn
Ở Chương trình "Tết Sum vầy" do các cấp Công đoàn tổ chức, mỗi lần nghe đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn chia sẻ: “Chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn Công đoàn” lại thấy cay cay nơi sống mũi, nước mắt chực rơi. Tại Chương trình "Tết Sum vầy" Giáp Thìn năm 2024 do Liên đoàn Lao động quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức, chị Đỗ Thị Lương cũng nói: “Chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn Công đoàn”.
Trao quà bốc thăm trúng thưởng cho đoàn viên, người lao động tại Chương trình "Tết Sum vầy" Giáp Thìn năm 2024 do LĐLĐ huyện Đông Anh tổ chức. Ảnh: Kiều Vũ
Hai năm liền được nhận hỗ trợ của Công đoàn
Đây là năm thứ 2 chị Đỗ Thị Lương - công nhân Công ty Cổ phần Nam Hà Nội được tham gia Chương trình "Tết Sum vầy" do Công đoàn tổ chức. Gia đình chị Lương rất khó khăn, hai vợ chồng cùng làm công nhân môi trường, tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy, vợ chồng chị trang trải chăm lo bố mẹ già với khoản chi khá lớn vào mua thuốc, chữa bệnh ung thư cho bố chồng; lo cho 3 con ăn học.
Thu nhập từ công việc chính không đủ, chị Lương phải làm thêm, ai thuê gì làm nấy, kể cả rửa bát. Số tiền 50.000 đồng/giờ làm thêm ở ngoài giúp ích cho chi phí sinh hoạt nên dù vất vả mất chị cũng cố gắng... Nhận số tiền 1 triệu đồng của Công đoàn hỗ trợ tại Chương trình "Tết Sum vầy" Giáp Thìn, chị Lương cho biết sẽ dùng để mua sắm cho chồng và các con. Quanh năm vất vả là thế nhưng có một khoản tiền chị lại nghĩ đến chồng, con, muốn gia đình có cái Tết đủ đầy trong khả năng. Với 2 năm được tham gia "Tết Sum vầy" và thường xuyên được Công đoàn các cấp quan tâm, chị Lương rưng rưng: “Chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn Công đoàn”.
Những đoàn viên, người lao động có mặt tại Chương trình "Tết Sum vầy" do Công đoàn tổ chức đều là những người có hoàn cảnh khó khăn nên mỗi phần quà hỗ trợ hay phiếu mua hàng do Công đoàn hỗ trợ đều mang ý nghĩa lớn. Với chị Đặng Thị Thanh Vân - công nhân Xí nghiệp thoát nước số 5 cũng vậy. Chị làm công nhân, có thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng chồng chị thì làm nghề tự do nên thu nhập thấp và không ổn định. Số tiền có được mỗi tháng từ công sức lao động của anh chị dành để lo cuộc sống cho cả nhà, trong đó có 2 con đang đi học.
Lần đầu tiên có mặt tại "Tết Sum vầy", cầm trên tay phiếu mua hàng 0 đồng chị Vân không giấu niềm vui. Chị bảo: Cảm ơn Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức "Tết Sum vầy" để chị và các đồng nghiệp cùng có hoàn cảnh khó khăn như chị bớt được một khoản tiền mua sắm Tết. Niềm vui không chỉ có với các chị mà còn được mang về, chia sẻ với gia đình. Dường như Chương trình "Tết Sum vầy" luôn đem Tết, đem mùa Xuân đến sớm với những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Đặng Thị Thanh Vân mua gạo bằng phiếu mua hàng 0 đồng tại “Tết Sum vầy” Giáp Thìn do CĐ ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức. Ảnh: Kiều Vũ
Không chỉ là vật chất
Đến với Chương trình "Tết Sum vầy", đoàn viên, người lao động không chỉ nhận sự chăm lo về vật chất mà họ còn được tham gia vào các hoạt động mang tính tinh thần, vui tươi. Từ thi gói bánh chưng, bầy mâm ngũ quả đến thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Tại Chương trình “"Tết Sum vầy" - Xuân gắn kết” năm Quý Mão 2023 do Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các đoàn viên, người lao động rất hào hứng với phần thi gói bánh chưng. Anh Nguyễn Văn Thông, quê Quảng Bình tâm sự: Quê tôi không gói bánh chưng ngày Tết, nhưng ra làm công nhân ở Hà Nội 7 năm rồi nên tôi cũng học được cách gói. Lúc đầu chỉ là học để biết cách gói, Tết về gói bánh, luộc bánh cho gia đình. Giờ thạo rồi nên còn chỉ cho các đồng nghiệp cách gói nhanh, không cần khuôn mà bánh vẫn vuông để thi đấu...
Sau những tháng ngày lao động vất vả; thời gian về nhà trọ đa phần chỉ để ngủ và lướt mạng xã hội thì tại Chương trình "Tết Sum vầy" do Công đoàn tổ chức, công nhân lao động được trực tiếp chứng kiến các hoạt động văn hóa nghệ thuật, được sống lại không khí Tết cổ truyền. Chị Phạm Thị Hương - đoàn viên Công đoàn Công ty Cổ phần ôtô KCV Thăng Long đã cảm nhận rõ điều này khi tham gia Chương trình “"Tết Sum vầy" - Xuân chia sẻ” Xuân Giáp Thìn do Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh tổ chức. “Tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi khi được Công đoàn chăm lo cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Tại Chương trình, chúng tôi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, được bốc thăm trúng thưởng và tặng quà. Với tôi, sự quan tâm, chăm lo này của LĐLĐ huyện chính là nguồn động lực để bản thân tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho Công ty cũng như tổ chức Công đoàn” - chị Hương nói.
Cảm nhận của chị Hương cũng là cảm nhận của nhiều đoàn viên, người lao động khác. Bởi thông qua việc tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy" đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động; tạo động lực, cổ vũ đoàn viên, người lao động làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững; củng cố niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.
Và, với câu "Chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn Công đoàn" của đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong vai trò đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên tinh thần “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khong-biet-noi-gi-hon-la-cam-on-cong-doan-1294377.ldo
KIỀU VŨ (BÁO LAO ĐỘNG)