Cơ hội để NLĐ được gửi gắm tâm tư
Anh Đoàn Hữu Đức - công nhân Công ty CP Nam Việt - chia sẻ: “Qua nhiều cuộc đối thoại được dự, tôi thấy đây thật sự là cơ hội để NLĐ được gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình. Với những ý kiến, kiến nghị chưa trả lời kịp, vẫn được LĐLĐ tỉnh thông tin ở lần đối thoại kế tiếp”.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH An Giang Samho Võ Thanh Nhã cho biết: Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động rất cần thiết. Chương trình thật sự là diễn đàn. Ở đó, công nhân được bày tỏ và giải đáp mọi ý kiến thắc mắc của mình.
“Qua các cuộc đối thoại được dự, tôi thấy lãnh đạo tỉnh cùng các ngành đã giải quyết tốt các vấn đề việc chấp hành pháp luật của các chủ doanh nghiệp, về chất lượng bữa ăn ca, về hỗ trợ vay vốn cho NLĐ với lãi suất ưu đãi, về việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần cho NLĐ cũng như việc giữ gìn an ninh trật tự tại các địa phương, các khu vực có đông lao động…”, ông Nhã cho biết.
Theo ông Nhã, tại các buổi đối thoại cũng có nhiều giải pháp chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, giúp NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định.
“Nhờ đó, hoạt động Công đoàn tại các doanh nghiệp có đông lao động như chúng tôi rất dễ dàng. Chủ doanh nghiệp ngày càng thực hiện tốt các chính sách, pháp luật và các quy định của tổ chức Công đoàn; quan tâm, tạo nhiều điều kiện để chúng tôi hoạt động. Mối quan hệ giữa công đoàn, doanh nghiệp, NLĐ luôn hài hòa, ổn định và tiến bộ”, ông Nhã nói.
Phát huy tinh thần dân chủ
Theo LĐLĐ tỉnh An Giang, hàng năm, nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động, LĐLĐ tỉnh đều xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy tổ chức hoạt động gặp gỡ, đối thoại với chủ đề “Đối thoại Tháng 5”.
Riêng LĐLĐ tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đối thoại với 150 đoàn viên, NLĐ tại các doanh nghiệp có đông lao động. Trung bình mỗi cuộc đối thoại thu nhận trên 20 ý kiến, kiến nghị của NLĐ. Tại đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trao đổi, trả lời đầy đủ những ý kiến xác đáng, sát thực, tâm huyết, trách nhiệm của NLĐ.
Những vấn đề cần thêm thời gian nghiên cứu, cũng chỉ đạo các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục trả lời bằng văn bản, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại cơ sở. LĐLĐ các huyện, thị, thành phố cũng đồng loạt phối hợp các đoàn thể, tham mưu cấp ủy tổ chức các buổi đối thoại giữa cấp ủy với đoàn viên, hội viên, NLĐ tại địa phương.
2 năm gần đây (2023, 2024), LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức 3 Hội nghị Tiếp xúc cử tri Chuyên đề “Đoàn đại biểu Quốc hội với cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ” trước các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, có 300 lượt cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ tham gia trên 50 ý kiến đóng góp các dự án Luật như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm,...
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các hội nghị, cho rằng đây không chỉ là kênh giúp ĐBQH nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của ĐV, NLĐ mà còn nhằm phát huy tinh thần dân chủ của cử tri trong tham gia ý kiến góp ý đối với các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) tại các kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với ĐV, NLĐ là một hoạt động được LĐLĐ tỉnh đánh giá cao và được duy trì xuyên suốt gần 10 năm qua. Nhờ việc tổ chức đối thoại định kỳ nên các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp đã được giải quyết tốt, kịp thời, chủ doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chính sách đối với NLĐ, không để xảy ra “điểm nóng” dẫn đến đình công, lãn công trên địa bàn.
https://laodong.vn/cong-doan/doi-thoai-truc-tiep-giup-gan-ket-cong-doan-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-1437290.ldo