Kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên
Phát biểu tại hội nghị, bà Chiêm Thị Bạch Yến, giáo viên trường mầm non xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc triển khai chi trả chế độ ưu đãi, phụ cấp thu hút đã phần nào giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện cuộc sống cho đội ngũ thầy, cô giáo công tác ở địa bàn khó khăn.
Tuy nhiên, quy định thực hiện trợ cấp theo hộ khẩu đang dẫn đến những thiệt thòi nhất định cho đội ngũ giáo viên tại chỗ. Nữ giáo viên phân tích, theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP, giáo viên đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được phụ cấp 10 tháng lương. Nhưng nghị định cũng quy định, chế độ trợ cấp lần đầu chỉ áp dụng cho các đối tượng ở nơi khác chuyển đến công tác, không áp dụng cho đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa bàn.
Thực tế, giáo viên ở nơi khác đến hay giáo viên có hộ khẩu ở địa bàn điều kiện khó khăn đều phải vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp để hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, mặc dù chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi đó họ phải làm ngoài giờ, đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Do vậy, bà Chiêm Thị Bạch Yến kiến nghị tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non; đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định.
Bà Phạm Thị Nghị, giáo viên môn Ngữ văn tại trường THPT Quan Hóa, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, về chế độ phụ cấp, giáo viên vùng khó khăn thường được hưởng các khoản phụ cấp như phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt. Tuy nhiên, việc phân bổ và thực hiện các chính sách này ở một số địa phương còn chưa nhất quán, dẫn đến sự không công bằng giữa các khu vực.
Mặc dù đã có sự điều chỉnh trong bảng lương của giáo viên, nhưng mức lương thực tế của giáo viên vùng khó khăn vẫn còn thấp so với nhu cầu sinh hoạt.
Bà Phạm Thị Nghị kiến nghị cần có các biện pháp cụ thể hơn để nâng cao chế độ phụ cấp và lương cho giáo viên. Cùng với đó, cần quy định rõ ràng về mức phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt và đảm bảo thực hiện nhất quán trên cả nước, tránh sự phân biệt giữa các khu vực.
Nữ giáo viên cũng đề nghị cần có chính sách, hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà công vụ giáo viên, nhất là vùng núi, vùng cao, có như vậy giáo viên mới yên tâm công tác, cống hiến cho ngành và xã hội.
Hoàn thiện các chính sách còn bất cập
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, trong đó có đội ngũ làm việc ở những vùng khó khăn. Các chính sách ngày càng tiến bộ để hỗ trợ, giữ chân nhà giáo. Nhiều địa phương và tổ chức Công đoàn bằng các hoạt động khác nhau đã rất quan tâm, chăm lo, chia sẻ về vật chất, tình cảm để giảm bớt khó khăn của giáo viên. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là một số chính sách chưa phù hợp thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thể thực hiện trên thực tế.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ghi nhận nỗ lực của công đoàn trong việc chia sẻ, làm vơi đi khó khăn của thầy cô. Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị cần thực hiện thật tốt chính sách đang có, hoàn thiện các chính sách còn bất cập. Trong đó, tổ chức Công đoàn cần tham gia giám sát việc thực hiện chính sách cùng với các địa phương; tiếp tục thể hiện vai trò của công đoàn trong chăm lo bảo vệ đoàn viên ở vùng khó khăn.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, những ý kiến đề xuất tại hội thảo sẽ được Tổng LĐLĐVN ghi nhận, tổng hợp để chuyển đến các cơ quan chức năng, từ đó góp phần hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên ở vùng khó khăn.
https://laodong.vn/cong-doan/giao-vien-vung-kho-khan-o-thanh-hoa-phan-anh-bat-cap-ve-phu-cap-che-do-1437280.ldo