Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân
Tham gia góp ý tại hội nghị, bà Bùi Thị Thỏa (Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN) cho rằng, việc quy định điều kiện người lao động (NLĐ) phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng mới được hưởng chế độ trong dự thảo luật có thể xảy ra các trường hợp gây thiệt thòi cho họ.
Điều 43 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định các điều kiện người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một trong các điều kiện là đã nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.
Theo bà Thỏa, nếu trong hoàn cảnh bình thường, thuận lợi, thì 3 tháng không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu xảy ra những vấn đề ngoài dự liệu luật quy định, như lỗi của người sử dụng lao động thì sẽ gây ra thiệt thòi cho NLĐ. Bộ luật Lao động quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm báo, đăng ký và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho NLĐ.
“Về nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều trường hợp người sử dụng lao động có khúc mắc với NLĐ, nên cố tình không chốt; NLĐ không hiểu biết nhiều về quy định pháp luật, nên họ cứ chờ. Chờ đến khi được chốt sổ thì đã quá thời hạn 3 tháng. Lúc đó nộp hồ sơ thì họ sẽ không được hưởng chế độ”, bà Thỏa phân tích.
Bên cạnh đó, theo bà Thỏa, có những trường hợp chủ sử dụng lao động bỏ trốn, thủ tục xác định chủ sử dụng lao động bỏ trốn mất rất nhiều thời gian. Khi xác định được có thông báo chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì quá trình chốt sổ bảo hiểm cho NLĐ không phải 3 tháng là xong được.
“Vì vậy, tôi cho rằng không nên quy định “cứng” 3 tháng cho tất cả các trường hợp, mà phải tính đến các trường hợp khác mang tính đặc thù hoặc do lỗi của người sử dụng lao động”, bà Thỏa kiến nghị.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa) đề nghị nghiên cứu thêm có thêm biện pháp, chế tài đối với hành vi người sử dụng lao động cố tình chậm chốt đóng BHTN cho người lao động; trốn đóng, nợ đọng BHTN, khiến người lao động không được hưởng chế độ BHTN.
“Ngoài biện pháp xử phạt hành chính, thì cần có quy định về bồi thường về hành vi này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động” đại diện LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đề xuất.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11.2024). Dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).
Thời gian vừa qua, với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, Tổng LĐLĐVN đã thực hiện nhiều hoạt động tham gia xây dựng, hoàn thiện dự án luật: Tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, tham gia các phiên họp thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật, tổ chức phản biện dự án Luật. Tổng LĐLĐVN đã có 2 văn bản chính thức về việc tham gia ý kiến và phản biện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Cơ bản các ý kiến của Tổng LĐLĐVN đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, thể hiện trong dự thảo.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, những ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp thu, từ đó, Tổng LĐLĐVN sẽ có văn bản chính thức gửi cơ quan soạn thảo, để kịp hoàn thiện đưa ra trình Quốc hội nghiên cứu, thông qua tại kỳ họp tháng 5.2025.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-khong-quy-dinh-cung-thoi-han-nop-du-ho-so-huong-tro-cap-that-nghiep-1496219.ldo