Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Khoản 1 Điều 7 Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam là “hợp tác, phối hợp với người sử dụng lao động, đồng thời bảo đảm tính độc lập của tổ chức Công đoàn” nhằm bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Luật Công đoàn 2024 cũng làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn tại Điều 9.
Điều 9 Luật Công đoàn 2024 quy định hợp tác quốc tế về công đoàn phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách đối ngoại, Hiến pháp, pháp luật, quy định về công tác đối ngoại nhân dân và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hợp tác quốc tế về công đoàn được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam và Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế.
Nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn bao gồm: Thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ công đoàn; chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, phong trào công nhân quốc tế; thực hiện các hoạt động đoàn kết, hỗ trợ quốc tế; thiết lập quan hệ hợp tác, đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; đại diện cấp quốc gia của người lao động tham gia các diễn đàn quốc tế; tham gia hoạt động, gia nhập hoặc rút khỏi tổ chức Công đoàn quốc tế.
Các nội dung hợp tác khác bao gồm: Vận động, điều phối, phê duyệt, tiếp nhận, quản lý sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế cho Công đoàn theo quy định của pháp luật; tiếp nhận và trao tặng các hình thức khen thưởng; thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam.
Ông Lê Đình Quảng cho biết thêm, một trong những cơ sở thực tiễn để ban hành Luật Công đoàn 2024 là xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế. Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của ILO về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.
Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nêu trên đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn”.
https://laodong.vn/cong-doan/cac-noi-dung-hop-tac-quoc-te-ve-cong-doan-tu-ngay-172025-1484301.ldo