Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Đề xuất kiểm toán độc lập đối với công đoàn cơ sở có đông lao động, đoàn viên
Ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho biết như trên tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ ngày 3.8.2015 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI và 5 năm thực hiện kết luận số 01/KL-BCH ngày 15.3.2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban Kiểm tra Công đoàn, được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 31.3.
Theo ông Huỳnh Thanh Xuân, Nghị quyết 06b và Kết luận 01 đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn; việc thực hiện các giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp đối với hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn đạt hiệu quả nhất định, xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động, chương trình, kế hoạch công tác của ủy ban kiểm tra công đoàn được đảm bảo. Chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn tiếp tục được nâng cao và đi vào thực chất. Hàng năm, ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đều xây dựng, ban hành chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, sát với thực tiễn và chỉ đạo của công đoàn cấp trên.
Ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ngoài cùng bên phải) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Từ năm 2021 đến năm 2025, các cấp công đoàn đã tiến hành: Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn gần 360.000 cuộc; giám sát 127.000 cuộc; kiểm tra quản lý sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn 399.000 cuộc, kiến nghị truy nộp trên 780 tỉ đồng.
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy hiệu quả của việc thúc đẩy công đoàn các cấp chấp hành tốt Điều lệ Công đoàn, công tác quản lý và sử dụng tài chính công đoàn đúng quy định; đưa ra những khuyết điểm, sai sót, kiến nghị, đề nghị khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng việc quản lý, thu chi tài chính, tài sản; tăng cường hiệu quả hoạt động kinh tế công đoàn; ngăn ngừa tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Về đổi mới phương thức hoạt động kiểm tra, giám sát công đoàn, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát, ông Huỳnh Thanh Xuân cho biết công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của công đoàn.
Cùng với đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các công đoàn cấp dưới trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, trong đó quan tâm đến công tác kiểm tra tài chính đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước có đông công nhân, lao động; nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra về tài chính.
Ngoài ra, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra; theo dõi, đôn đốc các đơn vị được kiểm tra thực hiện kiến nghị kết luận kiểm tra.
Về kiểm tra tài chính cùng cấp của công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở thực hiện hình thức kiểm tra chéo do công đoàn cấp trên trực tiếp ban hành kế hoạch quyết định nhân sự và được phép trưng tập mở rộng lực lượng nhân sự có chuyên môn. Thực hiện kiểm toán độc lập đối với công đoàn cơ sở có đông lao động, đoàn viên (để tránh hình thức hợp lý hoá công tác kiểm tra, đảm bảo tính dân chủ, khách quan).
Củng cố tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm tra công đoàn
Ông Trương Hồng Sơn - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức - Kiểm tra Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2018, thực hiện Quy định số 833 của Tổng Liên đoàn về giám sát công đoàn, đã thực hiện giám sát 14.878 cuộc, trong đó giám sát tổ chức công đoàn 460 cuộc, giám sát cán bộ công đoàn 14.418 cuộc, cấp Thành phố giám sát 41 cuộc, công đoàn cấp trên cơ sở giám sát 2.607 cuộc, công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn giám sát 12.230 cuộc; kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam: 10 cuộc.
Qua kiểm tra kiến nghị truy thu và đã thực hiện thu, nộp về cho tài chính công đoàn tổng số tiền 258,61 tỉ đồng (trong đó truy thu: kinh phí công đoàn 232,2 tỉ đồng, đoàn phí: 26,41 tỉ đồng)...
Ông Trương Hồng Sơn đề nghị trong thời gian tới cần tập trung củng cố tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm tra công đoàn, quy hoạch, bố trí xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ Ủy viên Ủy ban kiểm tra, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát công đoàn hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách, chuyên nghiệp tại cấp Tổng Liên đoàn, cấp tỉnh, thành phố và tương đương, đảm bảo cán bộ kiểm tra có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, bản lĩnh, trách nhiệm, am hiểu hoạt động công đoàn, chính sách pháp luật, thông thạo nghiệp vụ đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ...
Công tác kiểm tra, giám sát là rất cần đối với tổ chức Công đoàn
Tại hội nghị, đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành đã phát biểu làm rõ thêm những kết quả đã triển khai tại cơ sở; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN cho biết, các ý kiến góp ý đều khẳng định công tác kiểm tra, giám sát là rất cần đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Các ý kiến cũng cho rằng, lực lượng cán bộ làm công tác kiểm tra tại công đoàn cấp trên trở lên là lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách, như vậy mới phát huy được hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Bảo Hân
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý, dù mô hình cơ quan ủy ban kiểm tra như thế nào nhưng vẫn phải duy trì và điều chỉnh kịp thời các quy định về kiểm tra giám sát, xử lý kỷ luật, xử lý khiếu nại, tố cáo cũng như tiếp đoàn viên, người lao động và công dân; công đoàn cấp dưới sẽ căn cứ vào quy định này để tổ chức thực hiện...
https://laodong.vn/cong-doan/kien-nghi-truy-nop-tren-780-ti-dong-tu-cong-tac-kiem-tra-1484836.ldo