Chị Mai Thị Tâm (36 tuổi) - công nhân giày da tại Nam Định - chia sẻ, cuối tháng 7 quản đốc thông báo tháng 8 có thể sẽ về sớm, chỉ làm giờ hành chính. Tuy nhiên, chị Tâm cho biết tình trạng này chỉ diễn ra đúng tuần đầu tiên của tháng 8. Ngay từ tuần thứ hai, công ty đã yêu cầu các công nhân tăng ca trở lại.
“Tuần đầu tiên, chúng tôi làm 9h/ngày, cứ tưởng sang tuần chỉ làm giờ hành chính nhưng lại tăng ca làm 10,5 tiếng/ngày” - chị Tâm cho hay.
Dù vậy, chị Tâm và nhiều công nhân khác đều mong muốn được tăng ca đến 10,5 tiếng/ngày. Bởi vì thu nhập được tính theo thời gian, càng tăng ca, tiền lương sẽ càng cao. Tháng nào bớt đi 1,5 tiếng/ngày, nữ công nhân cho biết, thu nhập tháng đó coi như giảm đi ít nhất 1,5 triệu đồng.
Anh Trần Văn Vượng (34 tuổi) - công nhân chuyên dùng tại Thái Bình - cho biết, không phải ngẫu nhiên anh có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Bí quyết được anh Vượng chia sẻ là ngoài năng lực, yếu tố thời gian cũng đóng vai trò rất lớn.
“Thu nhập của tôi dao động từ 10 - 11 triệu đồng/tháng nhưng phải làm 11 tiếng mỗi ngày, đến 19h30 mới được nghỉ về ăn cơm với gia đình. Với năng lực của tôi nếu chỉ làm giờ hành chính chỉ được 7,5 triệu đồng/tháng” - anh Vượng cho hay.
Theo nam công nhân, công ty ký rất nhiều đơn hàng với các đối tác nhưng nguồn nhân lực có hạn. Do đó, tất cả những ai có tay nghề tốt, buổi tối đều được khuyến khích ở lại tăng ca đến 19h30, nhiều hôm 20h mới nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Kiều Loan (26 tuổi) - công nhân may tại Vĩnh Phúc - cho biết, thông thường giữa tháng 9, đầu tháng 10 công ty sẽ ít việc. Theo chị Loan, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các công ty trong khu vực.
“Làm công nhân 6 năm tôi hiểu khá rõ. Tầm giữa tháng 9 hoặc tháng 10, các thương hiệu mới kết thúc đơn hàng, bắt đầu nghiên cứu sản phẩm mới. Đến tháng 11, họ bắt đầu tìm các công ty để hợp tác, lúc đó công nhân mới có nhiều việc trở lại” - chị Loan nói.
Vì thế, thời điểm tháng 8 hiện tại, chị Loan cho biết vẫn hay làm thêm giờ. Chị đang mang bầu nhưng vẫn khuyến khích đi làm. Nhận thấy sức khỏe vẫn có thể làm việc được nên nữ công nhân đã nhận tăng ca 1 tiếng/ngày để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Chia sẻ về tiền lương, hầu hết các công nhân đều cho rằng mức lương đã tăng đáng kể ngay từ tháng 7. Một phần vì có thêm tiền tăng ca, thời gian nhiều để làm ra sản lượng tốt, phần nữa vì lương cơ bản cũng được điều chỉnh tăng lên.
“Nhận bảng lương tháng 6 và tháng 7, tôi vô cùng vui mừng. So với tháng 5 - lúc chưa được tăng lương cơ bản, thu nhập của tôi cao hơn gần 1 triệu đồng dù công việc vẫn thế” - chị Tâm chia sẻ.
Nói về những khó khăn đang gặp phải, chị Kiều Loan cho hay, chỉ sợ gặp phải những mã hàng có đơn giá thấp. Những lúc như thế, thu nhập không được cao, dù có tăng ca cũng chỉ hơn tháng trước vài trăm nghìn đồng.
Mạnh Cường (báo lao động)
https://laodong.vn/cong-doan/don-hang-nhieu-cong-nhan-tang-ca-thuong-xuyen-1380039.ldo