Nhiều khoản tiền phải đóng
Chị Phạm Thị Mơ (37 tuổi) - công nhân tại Nam Định chia sẻ: “Tôi có hai con trai học lớp 9 và lớp 10. Đây đều là hai mốc vô cùng quan trọng với các con nên tốn khá nhiều chi phí cho năm học mới”.
Nữ công nhân cho biết, tiền học phí có thể tăng gấp rưỡi so với năm ngoái; tiền bảo hiểm y tế cũng tăng gần 400.000 đồng. Người con thứ chuẩn bị thêm 200.000 đồng/tháng học thêm ôn thi cấp ba. Với người con lớn, sách vở, đồng phục, quần áo bắt buộc phải là đồ mới nên càng tốn kém.
Ngay từ tháng 7, vợ chồng chị Mơ đã trích 7 triệu đồng tiền lương mỗi tháng để mua cho con trai lớn chiếc xe máy 50cc đi học. Khi lên kế hoạch cho việc này, gia đình chị phải thắt chặt chi tiêu, cắt giảm các khoản...
Chị Bùi Thị Loan (28 tuổi, quê Lạc Sơn, Hòa Bình), lao động Công ty Doosung Teach - KCN Lương Sơn cho hay: “Lương của tôi được 6 triệu đồng/tháng, ngoài tiền ăn uống và thuê trọ thì không đủ để đóng học vì cháu lớn mới vào lớp 1 nên phải đóng thêm nhiều khoản khác. Đặc biệt, giá sách, đồ dùng học tập tăng thêm càng phải lo nhiều hơn”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thoa (38 tuổi, quê Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, làm việc tại Công ty Cap Global - KCN Lương Sơn) bày tỏ: “Gia đình có hai cháu đang học lớp 8 và lớp 12. Ngoài các khoản chi tiêu thông thường, học phí và các khoản đóng góp tăng lên, chưa kể giá sách giáo khoa hiện nay cũng cao hơn. Tôi phải vay mượn tạm để chuẩn bị cho các con đủ điều kiện đến trường”.
Chị Phạm Thị Ngọc (30 tuổi) - công nhân tại Thái Nguyên cho biết: “Cuối năm học, phụ huynh được thông báo riêng các khoản thu về cơ sở vật chất cho nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo học phí năm học mới và tiền cấp dưỡng có thể tăng hơn năm ngoái” - chị Ngọc tâm sự.
Nữ công nhân cho hay, tiền học phí dự kiến tăng thêm 50.000 đồng/tháng/con, tiền cấp dưỡng tăng thêm 80.000 đồng/tháng/con. Vì không thể về nhà nấu cơm buổi trưa cho các con nên riêng khoản tiền này mỗi tháng tốn ít nhất 1,5 triệu đồng.
Theo chị Ngọc, số tiền 8 triệu đồng chuẩn bị cho các con đầu năm học mới có lẽ sẽ không đủ. So với đồng lương hơn 9 triệu đồng của bản thân và 10 triệu đồng của chồng, con số này quả thực khiến chị phải cân đo đủ thứ.
Ngoài tiền nong, chị Ngọc còn lo nguy cơ con bị lây bệnh khi gặp gỡ, giao tiếp cùng bạn bè.“Chưa năm nào con út nhà tôi tránh được bệnh tật khi quay trở lại lớp học cùng bạn bè. Nhẹ thì ốm vặt vài ngày, nặng thì phải nhập viện cả tuần mới khỏi, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi và việc học của các con” - chị Ngọc nói.
Nữ công nhân chia sẻ, các căn bệnh con thường mắc phải nhất khi vào năm học mới chính là viêm phế quản, viêm phổi, đau mắt đỏ, tay chân miệng. Vì thế, ngoài bảo hiểm y tế mua hàng năm, đầu năm học, chị Ngọc đều phải mua thêm bảo hiểm thân thể học sinh để dự phòng...
Cố gắng vì tương lai
Chị Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi, ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, làm việc tại Công ty Transon - KCN Lương Sơn) chia sẻ gia đình có hai con đang tuổi ăn học và chị đang làm công nhân ở gần nhà với mức lương khoảng 8 triệu/tháng, chồng làm thợ xây tại địa phương thu nhập cũng bấp bênh.
Chị Tuyết có một cháu học lớp 8 và một cháu đang học đại học. Theo chị Tuyết, mặc dù khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng, chấp nhận làm thêm giờ để đủ tiền lo chi phí và mong các con cố gắng học tập để có một tương lại tươi sáng hơn.
Ngày 3.9, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình - cho biết, theo kế hoạch ngày 5.9, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức khai giảng.
https://laodong.vn/cong-doan/con-den-truong-cha-me-cong-nhan-tran-tro-bon-be-1388852.ldo