Số ca COVID-19 tăng cao, công nhân lo mất việc, về quê
Thời gian gần đây, ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam tiếp tục tăng, thậm chí, chỉ trong vài ngày, liên tiếp ca mắc mới đều vượt mốc 2.000 F0. Công nhân lo lắng, dịch chồng dịch sẽ ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập từ nay đến cuối năm.
Số ca COVID-19 tăng cao, công nhân sợ rằng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc làm. Ảnh: Minh Phương
Dịch bệnh “thổi bay” khoản tiền tích cóp
2 năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh, khoản tiền tiết kiệm sau 7 năm làm công nhân của gia đình anh Trần Văn Linh (làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) đã cạn sạch. Anh Linh cho biết, dịch COVID-19 khiến anh phải giãn việc, giảm giờ làm, tăng ca không đều, tạm ngưng việc.
Khi công việc ổn định hơn, cả gia đình anh lại mắc COVID-19, lúc này, “tiền đi làm không đủ mua thuốc, thực phẩm bồi bổ” - anh Linh nói.
4 tháng đầu năm 2022, công ty ít việc, nhiều công nhân do bị giảm giờ làm, không được tăng ca nên phải về quê, nhưng thời điểm này, lượng công việc đã ổn định hơn, nếu cật lực làm thêm giờ, thu nhập của anh cũng dao động 9-10 triệu đồng/tháng.
Để tiết kiệm tiền, cả gia đình anh không dám về quê nhiều, anh nói, “bây giờ vé xe khách 250.000 - 300.000 đồng/lượt, nên chỉ khi có việc thật cần thiết tôi mới về”. Cuộc sống thuê trọ nhiều khó khăn, phải nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi học, gia đình công nhân không khỏi thoát cảnh thiếu trước hụt sau, tháng nào hết tháng nấy. “Tháng nào con ốm cũng tốn 500.000 - 1.000.000 đồng đi viện. Đứa con thứ 2 không chịu ăn gì ngoài uống sữa nên càng tốn kém. Những lúc không có tiền, tôi phải vay mượn của bạn bè. Tôi không dám xin tiền bố mẹ vì sợ bị nói làm không đủ ăn thì ở mãi trên đó làm gì” - anh Linh chia sẻ.
Mặc dù lương công nhân chỉ ở mức đủ sống dè dặt, nhưng anh Linh vẫn chọn làm nghề này.
Mong dịch không bùng phát trở lại
Chị Đỗ Thị Ngà (công nhân một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng lo lắng trước thông tin gần đây các ca nhiễm COVID-19 tăng, nhất là các trường hợp bị nặng tăng mạnh. Điều chị e sợ nhất là nếu dịch bùng phát trở lại thì việc làm của mình sẽ bị ảnh hưởng.
“Tôi đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3. Vừa qua, tôi đã đăng ký tiêm mũi 4 nhưng do bận việc nên chưa đi được. Do tiêm phòng vaccine khá đầy đủ, nên tôi không quá lo lắng. Điều khiến tôi lo nhất là nếu, nếu mình mắc COVID-19 hoặc dịch bùng phát tại công ty, hay tại địa phương sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập” - chị Ngà chia sẻ.
Tháng 3.2022, chị Ngà - cũng như nhiều công nhân khác trong công ty - bị mắc COVID-19. Chị phải nghỉ làm, tự điều trị tại nhà trong 2 tuần. Khoảng thời gian nghỉ ở nhà lâu, sau đó chị chỉ cầm về được hơn 4 triệu đồng tiền lương. Một mình chị Ngà phải cáng đáng nuôi con nhỏ nên số tiền ít ỏi trên không đủ để chị trang trải cho cuộc sống.
Theo nữ công nhân này, từ tháng 5 trở lại đây, công ty ít việc, nên chỉ có 1 tháng chị được làm thêm (ít giờ hơn so với trước khi có dịch).
Tiền lương thuần của chị Ngà chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, trong khi nếu có tăng ca sẽ được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chị Ngà mong mình không bị mắc COVID-19 lần nào nữa, cũng như mong dịch bệnh không bùng phát, công ty có nhiều việc hơn để từ từ giờ đến cuối năm, chị có việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
https://laodong.vn/cong-doan/so-ca-covid-19-tang-cao-cong-nhan-lo-mat-viec-ve-que-1079443.ldo
MINH PHƯƠNG - QUẾ CHI (BÁO LAO ĐỘNG)