Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 08:52 16/07/2025 (GMT+7)
Người lao động kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng sẽ cải thiện đời sống

Quảng Trị - Người lao động phấn khởi đón tin tăng lương tối thiểu vùng, mong cải thiện thu nhập và gắn bó lâu dài hơn với công việc.

Người lao động kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng sẽ cải thiện đời sống
Người lao động kỳ vọng việc tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Công Sáng

Động lực bám trụ nghề

Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2026. Thông tin mức lương tối thiểu vùng sắp được điều chỉnh tăng thêm 7,2% đã khiến nhiều người lao động không giấu được sự phấn khởi xen lẫn hy vọng.

Anh Trần Như Trinh - công nhân nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình - cho biết, tin tức này đến với anh như một nguồn động lực mới.

Đã 17 năm gắn bó với công ty, anh hiểu hơn ai hết giá trị của đồng lương mỗi tháng.

“Tôi thật sự vui mừng khi nghe tin tăng lương. Tiền lương là chỗ dựa quan trọng để tôi lo cho gia đình, con cái. Mức tăng phần nào bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng gắn bó lâu dài hơn với công việc”, anh Trinh bày tỏ.

Người lao động tại Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình đang làm việc. Ảnh: Công Sáng
Người lao động tại Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình đang làm việc. Ảnh: Công Sáng

Suy nghĩ của anh Trinh cũng là tâm sự của rất nhiều lao động khác. Đối với họ, lương tối thiểu không chỉ đơn thuần là con số, mà còn là sự quan tâm của Nhà nước, là cam kết bảo vệ quyền lợi của người làm thuê, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Anh Trinh kể thêm, tại Công ty, tiền lương luôn được thanh toán đầy đủ, phúc lợi xã hội được quan tâm đúng mức. Chính điều đó đã giúp anh và đồng nghiệp yên tâm làm việc, không phải thấp thỏm lo bị nợ lương.

“Chúng tôi biết công ty cũng đang cố gắng để duy trì sản xuất, nên khi nghe sẽ được tăng lương, ai cũng vui. Đó là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa”, anh nói.

Quan tâm người lao động

Ông Phan Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình - thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đang đối mặt với áp lực rất lớn về chi phí sản xuất. Nhưng dù khó khăn đến đâu, quyền lợi của người lao động vẫn phải được đảm bảo”.

Theo ông Thành, việc tăng lương không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách để doanh nghiệp khẳng định trách nhiệm xã hội và giữ chân người lao động, những người đã miệt mài làm việc, đồng hành cùng công ty qua nhiều biến động.

Nhiều công nhân vẫn bày tỏ mong muốn mức điều chỉnh lương tối thiểu sắp tới thực sự gắn liền với kiểm soát giá cả thị trường. Bởi nếu tăng lương nhưng giá hàng hóa thiết yếu cũng đồng loạt leo thang thì thu nhập thực tế chẳng cải thiện bao nhiêu.

Để ứng phó với thách thức này, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Việt Trung đang từng bước đổi mới quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.

Việc bố trí lại nhân sự hợp lý và sắp xếp dây chuyền sản xuất được coi là giải pháp quan trọng nhằm duy trì hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động được hưởng mức thu nhập ổn định, phù hợp hơn với công sức bỏ ra.

Ông Thành nhận định, trong câu chuyện về tăng lương tối thiểu vùng, có thể thấy rõ một điểm chung, sự kỳ vọng của người lao động không chỉ nằm ở con số tăng thêm, mà còn ở cách doanh nghiệp và Nhà nước tiếp tục đồng hành để bảo vệ quyền lợi của họ, xây dựng môi trường lao động công bằng, văn minh.

https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-ky-vong-tang-luong-toi-thieu-vung-se-cai-thien-doi-song-1540552.ldo

CÔNG SÁNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: