Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 09:40 16/07/2025 (GMT+7)
Công nhân ngóng từng ngày chờ tăng lương

Thông tin Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2026 mức 7,2%, áp dụng từ ngày 1.1.2026 khiến nhiều lao động vui mừng, trông ngóng.

Công nhân ngóng từng ngày chờ tăng lương
Công nhân, lao động ngóng từng ngày chờ tăng lương. Ảnh: Hải Nguyễn

Trông chờ vào đồng lương

Năm 2024 sau khi lương tối thiểu vùng tăng, tiền lương của anh Bùi Đức Bình (xã Phú Xuyên, TP Hà Nội) đạt mức 4.410.000 đồng/tháng - mức lương tối thiểu vùng của vùng II. Cộng với tiền làm thêm giờ, tiền ăn ca… tổng thu nhập của anh Bình được khoảng 8.500.000 đồng/tháng.

“Vợ chồng tôi có 1 cháu đang học lớp 2, tiền thuê nhà, ăn uống, chi tiêu, con cái học hành đều trông vào lương công nhân của 2 vợ chồng. Vợ tôi làm công nhân may ở xã Phú Xuyên, lương chưa được 6 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập chưa được 15 triệu đồng/tháng cho 3 nhân khẩu, gia đình tôi sống rất tằn tiện”, anh Bình chia sẻ.

Anh Bình chia sẻ thêm, với đồng lương ít ỏi, gia đình anh gần như không có tích lũy, tháng nào tiêu hết tháng đó. Nếu con cái ốm đau hoặc có công việc gì đột xuất, anh phải vay mượn mới có tiền trang trải.

Về thông tin tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, anh Bình cho hay, không chỉ anh mà nhiều đồng nghiệp, bạn bè đều trông ngóng từng ngày…

Chị Nguyễn Thị Lan (quê Phú Thọ) đang làm công nhân một công ty may áo phao tại phường Việt Hưng (Hà Nội), chồng chị làm thuê cho một xưởng cơ khí gần đó. Vợ chồng chị Lan đang thuê phòng trọ và chờ đón con đầu lòng ra đời vào cuối năm 2025.

“Mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền điện tốn khoảng 2.300.000 đồng, tiền ăn và chi phí sinh hoạt khác hết khoảng 5.000.000 đồng. Như vậy, gần như lương của tôi không còn đồng nào. Lương của chồng tôi thì ăn theo sản phẩm, tháng nào nhiều việc được khoảng 7.000.000 đồng, tháng ít việc có khi chỉ được 5.000.000 đồng. Tôi lo lắng vì cuối năm sinh con, mọi chi tiêu đều nhìn vào đồng lương. Nếu chi phí sinh hoạt, nuôi con quá đắt đỏ, có thể chúng tôi sẽ về quê”, chị Lan nói.

Chị Lê Thị Hòa hiện là công nhân may tại xã Đông Anh (Hà Nội). Hiện, chị Hòa có mức lương 6.000.000 đồng/tháng; cộng các khoản làm thêm, hỗ trợ tiền ăn... tổng thu nhập khoảng 9.000.000 đồng/tháng. Dù mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng là 4.960.000 đồng/tháng nhưng chị Hòa cho hay, sau mỗi đợt tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp đều có động thái ít nhiều tăng lương cho người lao động.

“Trên thực tế, doanh nghiệp trả cho chúng tôi mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng khi có mức lương này làm căn cứ, doanh nghiệp sẽ trả lương nhỉnh hơn. Các chế độ tiền ăn, làm thêm… doanh nghiệp nơi tôi làm việc cũng dùng mức lương này làm căn cứ”, chị Hòa nói.

Khó mấy cũng triển khai

Bà Lê Thị Thu Lê - giám đốc một công ty sản xuất phụ liệu may mặc tại phường Phúc Lợi (Hà Nội) - cho biết, công ty bà thuộc vùng I, lương tối thiểu vùng đang áp dụng là 4.960.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với gần 50 công nhân, công ty bà hiện áp dụng trả lương tối thiểu 5.700.000 đồng/tháng, chưa kể tăng ca, tiền ăn và các loại phúc lợi khác.

Theo bà Lê, công ty bà không bị ảnh hưởng quá nhiều do biến động thương mại toàn cầu vì chủ yếu cung ứng cho các công ty trong nước. Vì thế, bà luôn cố gắng tăng phúc lợi cho người lao động theo từng năm.

“Đặc biệt, với các đợt tăng lương tối thiểu vùng, chúng tôi đều nghiêm túc thực hiện vì hiểu với người lao động, đồng lương là nguồn sống của họ và gia đình, khó mấy cũng phải triển khai”, bà Lê nói.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm - cho rằng, việc tăng lương tối thiểu là hết sức cần thiết.

Cũng theo ông Trung, việc đề xuất tăng lương cần đánh giá các chỉ số làm sao mức tăng đảm bảo đời sống của người lao động. Tăng lương tối thiểu cũng cần tính đến các yếu tố khu vực, nếu được thì tính toán cả các nhóm lao động để chúng ta đảm bảo được mức sống cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo đời sống.

“Không ít công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị sơ sài, trong khi họ là lực lượng chính trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Nếu người lao động không được tăng lương, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu lại tăng sẽ khiến đời sống công nhân, lao động bức bối, ảnh hưởng đến chính sức sản xuất của người lao động”, ông Trung nêu quan điểm.

Mức tăng lương tối thiểu vùng dự kiến áp dụng từ ngày 1.1.2026:

Vùng 1, từ 4.960.000 đồng lên 5.310.000 đồng, tăng 350.000 đồng, tương ứng 7,1%.

Vùng 2, từ 4.410.000 đồng lên 4.730.000 đồng, tăng 320.000 đồng, tương ứng 7,3%.

Vùng 3 từ 3.860.000 đồng lên 4.140.000 đồng, tăng 280.000 đồng, tương ứng 7,3%.

Vùng 4, từ 3.450.000 đồng lên 3.700.000 đồng, tăng 250.000 đồng, tương ứng 7,2%.

https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-ngong-tung-ngay-cho-tang-luong-1540560.ldo

Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: