Phòng vắt trữ sữa của nữ CNLĐ. Ảnh: Công đoàn cơ sở
Mô hình dành cho con
Nhiều năm gần đây Công đoàn Dệt may Việt Nam (CĐ DMVN) thực hiện Chương trình đọc truyện cho bé nhằm đồng hành cùng NLĐ chăm sóc và nuôi dạy con trẻ. Các chương trình này ngoài đăng tải trên website và fanpage, đồng thời được lưu trữ trên kênh YouTube của CĐ ngành.
Mỗi chương trình đều có lời dẫn với nội dung giới thiệu cụ thể để cán bộ, CNLĐ trong ngày nắm bắt được nội dung trước khi cho các con nghe. Ví dụ, ngày 31.3, khi đăng tải chương trình đọc truyện cho bé số 10-2025 trên fanpage, được giới thiệu: “Nàng Berina nhỏ bé - Phần 6.
Tại khu rừng nhiệt đới ấm áp, Berina đã gặp một chàng hoàng tử tiên hoa với vóc dáng tí hon hệt như cô đang ngồi giữa bông hoa rực rỡ. Hoàng tử tiên hoa đã có cảm tình với Berina ngay từ cái nhìn đầu tiên, chàng ngỏ ý mời cô trở thành hoàng hậu của các loài hoa và tặng cho cô đôi cánh thiên thần. Sau đó, họ bay về ngôi nhà mà Berina đã lớn lên cùng mẹ và sống hạnh phúc mãi mãi về sau”…
Nhiều CNLĐ trong ngành chia sẻ do đặc thù công việc nên họ ít có thời gian đọc sách phục vụ việc nuôi, dạy con nên Chương trình đọc truyện cho bé của CĐ DMVN giúp ích cho họ rất nhiều. Tối về họ vào fanpage hoặc vào kênh YouTube bật lên cho con nghe.
Để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ chăm lo cho con, LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh đã duy trì mô hình Trại hè Thanh Đa trong hơn 40 năm.
Trại hè Thanh Đa góp phần chăm lo và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích trong những ngày hè cũng như tuyên truyền giáo dục con CNVCLĐ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Đồng thời thông qua hoạt động rèn luyện ý thức tự giác, kỷ luật, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng tính tự lập, kỹ năng thực hành, làm việc nhóm giúp các em tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống. Từ kinh nghiệm của đơn vị đã thực hiện, Tổng LĐLĐVN hướng dẫn mô hình “Trại hè cho con CNVCLĐ” để các đơn vị nghiên cứu thực hiện.
Mô hình dành cho mẹ
Một trong những mô hình đang được phát triển rộng rãi trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho những CNLĐ nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ là “Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”.
Mô hình này do Tổng LĐLĐVN triển khai thực hiện gắn với chương trình truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ với sự hỗ trợ của Alive and Thrive từ năm 2012. Từ thành công của mô hình phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, Tổng LĐLĐVN đã tham gia với Chính phủ đưa vào quy định trong Bộ luật Lao động 2019.
Theo quy định tại khoản 5, Điều 80 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động 2019: Với các doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên, thì việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc là điều khoản bắt buộc.
Với các doanh nghiệp sử dụng dưới 1.000 lao động nữ thì khuyến khích việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Đến nay, theo thống kê của các cấp CĐ, trên 1.500 phòng vắt trữ sữa được thiết lập ở các cơ quan, doanh nghiệp đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng vạn lao động nữ.
Khảo sát năm 2024 của Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN tại 5 địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An cho thấy điều kiện sống của CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dạy con của NLĐ. Chính vì vậy, những mô hình hỗ trợ CNLĐ chăm sóc con rất cần được nhân rộng.
https://laodong.vn/cong-doan/nhung-mo-hinh-ho-tro-cong-nhan-cham-soc-con-1484851.ldo