Hóa đơn điện tiền triệu, công nhân thêm một nỗi lo
Giá điện điều chỉnh tăng 4,8%, không ít gia đình công nhân đau đầu khi chi phí sinh hoạt đội lên đáng kể, nhất là thu nhập vẫn dậm chân tại chỗ.
Anh Nguyễn Văn Tâm và vợ là công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đã hơn 15 năm nay. Để cải thiện thu nhập và đầu tư cho tương lai học hành của các con, hai vợ chồng mở một quán chè và đồ ăn vặt nhỏ gần nơi trọ.
Gần đây, khi hóa đơn tiền điện mỗi tháng cứ nhích lên từng trăm nghìn đồng, nỗi lo toan lại càng lớn hơn.
"Tháng 6, hóa đơn tiền điện phải trả của tháng 5 ở quán là 2.012.000 đồng. Còn tiền điện tháng 6, tháng này tôi phải thanh toán 2.123.000 đồng. Tiền điện ở nhà cũng tăng gần 150 nghìn đồng, từ 848.000 lên 997.000 đồng" - anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm mở quán chè với mong muốn cải thiện thêm thu nhập lo cho con học hành. Ảnh: Minh Hương.
Không chỉ tiền điện tăng, giá nguyên liệu như đường, sữa, trân châu… cũng leo thang do chi phí vận hành của các nhà cung cấp tăng theo giá điện.
“Trời oi bức mà không bật điều hòa thì khách chẳng vào. Nhưng tăng giá bán chè lại sợ mất khách” - anh nói thêm.
Dù đã tiết kiệm hết mức nhưng giá điện tăng, anh Tâm cho biết, chỉ còn cách "bấm bụng" chi tiền.
Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, chị Phạm Thị Ngân - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long cho hay, tiền điện tháng này đã tăng thêm 150.000 đồng, từ 450.000 đồng lên 600.000 đồng.
Dù không bị đội lên nhiều nhưng với chi phí thuê phòng trọ chỉ 500.000 đồng mà tiền điện đã tăng cao như vậy khiến chị không khỏi sốt ruột.
Bởi 2 tháng trở lại đây, công ty không tổ chức tăng ca, với mức thu nhập 7 - 7,5 triệu đồng/tháng, chị phải lo chi phí thuê trọ 500.000 đồng, tiền ăn uống, sinh hoạt và cả những phát sinh.
“Tuần trước đi viện tốn gần triệu đồng, rồi tháng này lại có hai đám cưới bạn thân ở quê, tiền điện lại tăng thêm. Tôi nhẩm tính đến gần cuối tháng phải vay đồng nghiệp thêm để chi tiêu" - chị Ngân thở dài.
Trong lúc thu nhập chưa tăng, mọi khoản chi tiêu dù nhỏ cũng có thể trở thành gánh nặng lớn với mỗi công nhân. Ảnh: Minh Hương.
Theo chị, dù khoản tăng không quá lớn nhưng trong bối cảnh phải chi li từng đồng, nó trở thành một gánh nặng thực sự.
Theo khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 - 4.2025 với gần 3.000 người lao động ở 10 tỉnh, thành phố, có tới 26,3% người lao động phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, buộc phải làm thêm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập.
Đáng lưu ý, có 12,5% người lao động phải vay mượn thường xuyên hàng tháng để duy trì cuộc sống, còn 29,9% phải vay mượn vài tháng một lần.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ 54,9% người lao động cho biết lương của họ đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu cơ bản. Điều đó có nghĩa gần một nửa lao động đang sống trong cảnh phải “liệu cơm gắp mắm”, thậm chí chấp nhận nợ nần để xoay xở.
Giá điện tăng trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Đối với nhiều gia đình công nhân sống trong những khu trọ nhỏ hẹp, không có nhiều lựa chọn về tiết kiệm điện.
“Nóng quá không thể không bật quạt hay điều hòa, nhất là có con nhỏ. Nhưng nhìn hóa đơn tiền điện, tôi rất xót ruột ” - anh Tâm chia sẻ.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá điện là cần thiết để đảm bảo cân đối chi phí sản xuất, thì ở góc nhìn của người lao động thu nhập thấp, mỗi đợt điều chỉnh giá là thêm một lần tính toán lại chi tiêu sinh hoạt.
"Tôi mong có thêm các chính sách hỗ trợ thiết thực từ kiểm soát giá điện sinh hoạt hợp lý đến hỗ trợ giá thuê trọ, giá điện cho hộ lao động nghèo, xa quê. Bởi lẽ, trong lúc thu nhập chưa tăng, mọi khoản chi tiêu dù nhỏ cũng có thể trở thành gánh nặng lớn với mỗi công nhân" - chị Ngân bày tỏ.
https://laodong.vn/cong-doan/hoa-don-dien-tien-trieu-cong-nhan-them-mot-noi-lo-1535527.ldo
Minh Hương (BÁO LAO ĐỘNG)